Ngôi sao 25 tuổi Oscar nhận mức lương cao nhất thế giới 400.000 bảng/tuần để khoác áo SIPG Thượng Hải không khiến người hâm mộ ngạc nhiên bằng việc hảo thủ người Argentina đã 32 tuổi C.Tevez được mời chào khoản thu nhập hằng tuần 615.000 bảng để gia nhập Thân Hoa Thượng Hải. Đây chắc chắn là những thương vụ đình đám bậc nhất thời điểm cuối năm 2016 và tất cả đang khiến cho thời tiết mùa đông bớt đi phần nào sự lạnh lẽo.
Mùa hè vừa qua, CLB Fortune Hồ Bắc Trung Hoa đưa ra lời đề nghị trị giá 42 triệu bảng/năm (tức 800.000 bảng/tuần) cộng thêm mức phí giải phóng hợp đồng 78,2 triệu bảng trả cho Napoli để đổi lấy chữ ký của chân sút G.Higuain. Cũng chính đội bóng này từng đề nghị mức lương tuần 1 triệu bảng với chân sút người Thụy Điển Z. Ibrahimovic và 1,6 triệu bảng dành cho L.Messi nhưng trước sau cả 3 siêu sao này đều từ chối. Mới nhất, 2 CLB Quốc An Bắc Kinh và Evergrande Quảng Châu đồng loạt mời chào mức thu nhập hằng tuần 700.000 bảng với W.Rooney hòng thuyết phục “gã Shrek” chịu rời bỏ M.U!
Các thương vụ này dẫu có thành công hay không, người Trung Quốc vẫn tiếp tục tạo được sự chú ý của thế giới đối với giải đấu nhà nghề (CSL) còn non trẻ của họ. Bán được cầu thủ giá cao lẽ ra phải là điều đáng mừng đối với hầu hết các đội bóng. Tuy vậy, việc vung tiền mua sắm cầu thủ, lôi kéo những vị trí trụ cột của các CLB tại châu Âu và Nam Mỹ như cách người Trung Quốc đang làm rõ ràng đi ngược lại với xu hướng chung. Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV A.Conte của Chelsea thẳng thắn bộc bạch: “Thị trường bóng đá Trung Quốc là hiểm họa cho mọi đội bóng trên thế giới”.
Không lâu sau khi lên nắm quyền ở Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã phác họa một chiến lược vàng cho bóng đá nước này với bản kế hoạch 10 năm (2015-2025): Bóng đá Trung Quốc phải đạt mốc 100.000 cầu thủ nhà nghề, thành lập 20.000 học viện bóng đá và xây dựng 70.000 sân bóng trước năm 2020.
Tham vọng của ông Tập là biến Trung Quốc thành siêu cường thể thao, không chỉ thường xuyên vượt qua các chiến dịch vòng loại mà còn có thể tranh quyền đăng cai, thậm chí giành chức vô địch World Cup. Thứ hạng FIFA của Trung Quốc hiện chỉ là 83, đội tuyển nước này mới một lần dự VCK World Cup (2002) và bị loại ngay từ vòng bảng, không giành được điểm nào cũng như không ghi nổi bàn thắng nào. Năm ngoái, sau chuyến thăm chính thức nước Anh của chủ tịch Tập Cận Bình, Tập đoàn tài chính China Media Capital tuyên bố mua 265 triệu bảng cổ phiếu của Man City và 4 CLB khác tại xứ sở sương mù là West Brom, Aston Villa, Wolverhampton và Liverpool đang chịu sự chi phối ở những cấp độ khác nhau từ các ông chủ Trung Quốc.
Từ chỗ nợ lương cầu thủ cùng vô vàn xì-căng-đan trong và ngoài sân bóng, chỉ sau vài mùa, CSL đã tiến một bước rất dài, trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn với mọi cầu thủ nhà nghề trên khắp thế giới, một phần nhờ gói bản quyền truyền hình trị giá 935 triệu bảng trong vòng 5 năm. Giải còn hướng đến những HLV bậc thầy như S.Eriksson (Thiên Tân FC); L.Scolari (Evergrande Quảng Châu), M.Pellegrini (Fortune Hồ Bắc Trung Hoa)...
Vấn đề là liệu họ có thành công và thành công có đến sớm với chiến lược vực dậy nền bóng đá bằng “doping” tiền hay không?
Bình luận (0)