Sở trường ở các đường bơi ngắn 50 m, 100 m với rất nhiều lần giành chiến thắng tại các kỳ ASEAN Para Games hay các giải vô địch thế giới, Võ Thanh Tùng lần đầu tiên mạnh dạn thử sức ở cự ly 200 m tự do tại Paralympic. Đấu trường thế giới đầy ắp thử thách và thành tích 3 phút 14 giây 11 chỉ đủ để kình ngư quê Cần Thơ xếp chót đợt bơi vòng loại thứ nhì và không thể lọt tiếp vào đợt bơi chung kết dành cho 8 tay bơi xuất sắc nhất (thành tích người xếp thứ 8 là 2 phút 53 giây 65).
Dẫu đây là thành tích rất đáng ghi nhận của Võ Thanh Tùng nhưng khởi đầu không như mong muốn ít nhiều cũng sẽ tác động đến tâm lý thi đấu của tuyển thủ 36 tuổi này, nhất là khi anh còn tham gia 4 nội dung thi đấu, trong đó gồm cả việc bảo vệ tấm HCB nội dung 50 m tự do giành được 5 năm trước vào ngày 1-9 tới đây.
Trịnh Thị Bích Như (số 8) chuẩn bị xuất phát 50 m tự do nữ. Ảnh: PHÚC LÊ
Trước phần thi đấu của Võ Thanh Tùng, nữ kình ngư Trịnh Thị Bích Như cũng đã xuống nước ở cự ly 50 m tự do hạng S6 nhưng không thể giành quyền vào chung kết nội dung này. Tham gia ở đợt bơi vòng loại thứ 2 cùng với nhiều đối thủ mạnh, Bích Như về đích sau 39 giây 14, xếp thứ 8 đợt bơi này và đứng vị trí 15/15 chung cuộc. So với thành tích xếp hạng 9 tại Paralympic Rio, đây là kết quả đáng buồn nhưng đã được dự báo đối với Bích Như (phần nào với cả Võ Thanh Tùng ở vòng loại 200 m tự do hạng S5 nam).
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục Thể thao quần chúng - Tổng cục Thể dục thể thao, suốt hơn 2 năm qua, thể thao người khuyết tật Việt Nam không có cơ hội cọ xát đúng nghĩa nào cả. Giải quốc tế thì Philippines hủy bỏ kỳ ASEAN Para Games 2020, không tham gia được các giải châu lục hay thế giới mang ý nghĩa tuyển chọn, còn trong nước không tổ chức được giải đấu nào. Trong bối cảnh đó, đặt chỉ tiêu thành tích cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo là điều không tưởng mà thay vào đó, động viên các tuyển thủ ra sức thi đấu vì danh dự cá nhân, vì mục tiêu vượt qua chính mình và vì màu cờ sắc áo quốc gia mới là thiết thực.
Bình luận (0)