Từ cách làm "đi tắt đón đầu", tìm kiếm các môn mới với phương châm "lấy nữ làm chủ công" một thời, có thể nói, diện mạo của thể thao Việt Nam đã thay đổi quyết liệt kể từ Á vận hội 2014 khi các môn thi đấu trong hệ thống Olympic nhận được sự đầu tư căn cơ và mạnh mẽ. Đấy được xác định là nền tảng để thể thao Việt Nam có thể hội nhập mạnh mẽ hơn, hướng tầm đến đấu trường châu lục và thế giới.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ chỗ chỉ có được tấm HCV duy nhất tại Chiang Mai 1995, sau 2 thập kỷ xây dựng lực lượng, điền kinh giờ đây là môn thể thao mũi nhọn, sẵn sàng đảm trách 10-12 HCV (tương đương 1/5 chỉ tiêu huy chương toàn đại hội).
Tương tự, người hâm mộ môn bơi chắc vẫn chưa quên một thuở ngóng chờ tấm HCV lịch sử của Nguyễn Hữu Việt tại Philippines 2009, để rồi chỉ vài năm sau, một mình kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên "gánh" đến 8 HCV cùng với việc sở hữu đến 8 kỷ lục SEA Games trên đất Singapore cách đây một kỳ đại hội. Ánh Viên mới có trong tay 3 HCV tại Kuala Lumpur và cô hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong vài ngày tới khi đã thực sự giải tỏa được tâm lý và bắt kịp được nhịp thi đấu.
Không chỉ có điền kinh và bơi lội, 2 môn sở hữu tổng cộng gần 100 nội dung thi đấu, đoàn Việt Nam giờ đây đã có quyền trông chờ nhiều hơn vào bắn súng, thể dục dụng cụ, karatedo, đấu kiếm, đua xe đạp, bắn cung… "Mỏ vàng" thể dục dụng cụ mới chỉ được Đặng Nam khai thác trong khi đấu kiếm cũng mới chỉ là "màn dạo đầu" với Vũ Thành An, Như Hoa.
SEA Games lâu nay vẫn chịu điều tiếng "sân chơi ao làng" nhưng chính điểm sáng từ thành tích của những môn thể thao Olympic đã cứu vãn phần nào uy tín cho đấu trường khu vực mà thể thao Việt Nam cùng Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có quyền tự hào với vai trò tiên phong.
Bình luận (0)