Chiều 9-3, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã trở thành cầu thủ Việt Nam thứ hai sau đồng đội ở HAGL là Lương Xuân Trường được ra sân thi đấu tại K-League Classic. Tuy chỉ được ra sân gần 2 phút, chưa kịp chạm bóng thì trọng tài đã thổi còi kết thúc trận đấu với phần thắng 2-1 nghiêng về Incheon United khi gặp Gyeongnam nhưng bản thân Công Phượng vẫn hãnh diện về những gì làm được.
Ở một môi trường bóng đá rất khắc nghiệt như giải K-League, khi yếu tố thể hình và thể lực được chú trọng tuyệt đối, Công Phượng sẽ mất rất nhiều thời gian để hòa nhập với Incheon United. Nhìn vào trường hợp thất bại của Xuân Trường trong 2 năm chơi bóng ở K-League, Công Phượng càng phải cố gắng hơn nữa. Chính HLV Jorn Andersen của Incheon cũng khẳng định không quan tâm các vấn đề ngoài lề liên quan đến Công Phượng mà nhiệm vụ của ông là yêu cầu Công Phượng phải nỗ lực cải thiện sức mạnh thể chất và khả năng tranh chấp nhiều hơn nữa nếu muốn tiếp tục có cơ hội ra sân.
Công Phượng (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) sau trận đấu của Incheon chiều 9-3 Ảnh: IUC
Tiền đạo trẻ của HAGL cũng không xem những lời phát biểu của HLV Andersen là lời phê bình bởi Công Phượng đã xác định đến Hàn Quốc chơi bóng là vì muốn thử thách, nâng tầm bản thân hơn nữa. "Tôi muốn thích nghi và sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để tương lai sẽ được ra sân nhiều hơn. Tôi muốn đáp lại kỳ vọng của chú Đoàn Nguyên Đức, gia đình và những ai đã yêu mến, tin tưởng mình" - Công Phượng chia sẻ rất tự tin sau phút thi đấu ngắn ngủi mà anh được rất nhiều đồng đội ở Incheon động viên, chúc mừng.
Trò chuyện cùng người viết, bầu Đức cho biết ông luôn xem Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường là những báu vật của bóng đá Việt Nam. "Hẳn anh còn nhớ cách đây mấy năm, HLV Arsene Wenger của Arsenal từng giới thiệu Tuấn Anh sang Hy Lạp thử việc ở CLB Olympiakos nhưng không may, cháu bị chấn thương nên lỡ dịp. Thực ra lúc đó, tham vọng của tôi còn lớn hơn nhiều là xuất khẩu một loạt những cầu thủ giỏi nhất của khóa 1 HAGL JMG, trong đó có Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường, sang Hy Lạp chơi bóng, từ đó tạo bước đệm để sau này sang Anh thi đấu. Vấn đề là đội tuyển Việt Nam lại nằm ngoài top 50 thế giới, theo quy định ở Hy Lạp thì cầu thủ của chúng ta không sang thi đấu được. Lúc đó, HAGL đã tính đến cả phương án nhập tịch cho các cháu nhưng rồi lại sợ các cháu tiến bộ lại không muốn về khoác áo tuyển quốc gia, bóng đá nước nhà sẽ mất đi những tài năng. Vậy là tôi vừa mất người tài, lại vừa bị cổ động viên căm ghét" - bầu Đức nói.
Giấc mơ "xuất khẩu cầu thủ" sang châu Âu tạm hoãn lại nhưng bầu Đức vẫn đang đi đúng hướng, thậm chí thời điểm này có thể xem là gần chín muồi để lứa Công Phượng đền đáp kỳ vọng của ông bầu này. Bầu Đức có quyền tự hào vì chỉ trong 4 năm, lần lượt Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thi nhau sang Hàn Quốc, Nhật Bản chơi bóng. Mới đây, đã có những tín hiệu cho thấy nếu thuận lợi thì đến năm 2020, Công Phượng có thể sẽ sang Bosnia-Herzegovina thi đấu trong màu áo CLB Sarajevo. Đây là đội bóng có ông chủ là Nguyễn Hoài Nam, người từng tranh cử chức phó chủ tịch tài chính của LĐBĐ Việt Nam khóa VIII vừa qua.
Ông Nam đã có cuộc nói chuyện với bầu Đức. Biết đâu sắp tới, họ sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc đưa những tài năng trẻ của HAGL sang thử sức ở một CLB vừa giành chức vô địch Bosnia và năm sau sẽ dự vòng sơ loại Champions League.
Rộng cửa đi châu Âu
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, sau khi mua được CLB Sarajevo, ông đã nắm được những quy định tương đối dễ dàng về việc chiêu mộ cầu thủ thi đấu đến từ châu Á. Chính vì vậy mà cơ hội để ông và bầu Đức đưa lứa cầu thủ tài năng sang châu Âu chơi bóng rất rộng mở.
Bình luận (0)