Sự hy sinh và giá trị khác nhau
Vũ Văn Huyện đấu với cả chục VĐV đến từ các quốc gia khác nhau ở bộ môn 10 môn phối hợp. Thời gian thi đấu của Huyện là 2 ngày với chẵn chục nội dung thi đấu: nhảy cao, nhảy xa, chạy, ném lao… Tất cả những nội dung đó đều cực nhọc. Mà đã thi đấu cực nhọc thì tập luyện cũng phải cực nhọc.
10 môn phối hợp là nội dung của điền kinh, môn thể thao Olympic, được vinh danh với ngôi vị “nữ hoàng”, được tổ chức sớm nhất ở các đại hội thể thao trên thế giới.
Vũ Văn Huyện thi 10 môn, mất 2 ngày mới có được tấm HCV ở SEA Games - Ảnh:Quốc Khánh
Nếu đếm mồ hôi, đếm công sức, cân giá trị để truy thưởng, thì Huyện sẽ là một trong những VĐV xứng đáng nhận mức rất cao.
Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Đình Cương, các nhà vô địch khác ở SEA Games cũng trong nội dung điền kinh cũng có thể được xếp vào diện nói trên, dù họ chỉ thi đấu 1 môn, trong vài chục giây, hoặc vài phút. Những nội dung họ thi là đỉnh cao của môn nữ hoàng.
Để có được những nhà vô địch như thế, nhiều khi phải chờ hàng chục năm mới có, thậm chí có quốc gia không có.
Ở đây, cần phải khẳng định là mỗi tấm HCV đều có giá trị. Nó đóng góp vào bảng thành tích của mỗi môn thi, cho cả đoàn TTVN với thành tích chung 83 HCV. VĐV nào cũng phải mướt mồ hôi tập luyện, cũng phải bước ra thảm đấu, hay lặn xuống làn nước, nhưng có những môn thi chỉ có 3 VĐV tham dự (tức là chỉ cần có tên cũng có HCĐ và cũng có thưởng), hay có những môn được có tên trong danh sách tổ chức đã là một điều may mắn.
Vì ai?
Không thay đổi quy chế của nhà nước, nhưng không phải là không có cách để tạo nên sự khác biệt như một cách đánh giá đúng giá trị của mỗi tấm huy chương khác nhau. Không nói đâu xa, bóng đá là một bài học. HCV bóng đá nam là 200.000 USD. HCV bóng đá nữ là 2 tỉ đồng (so với tỉ giá ngoại tệ, là hơn một nửa của bóng đá nam). Đó là do VFF kiếm về từ các nhà tài trợ. Còn với khoản thưởng ngân sách và quy chế: nó chỉ là 25 triệu đồng cho cả một tập thể, không thể kém và cũng không thể hơn.
Bản thân VFF cũng tự đưa và tự chi ra một mức thưởng riêng cho các đội bóng của họ, chứ không chỉ là trông chờ ở nhà tài trợ. Mức thưởng của VFF không hề nhỏ, cũng là tiền tỉ, tức là gấp hàng chục và cả trăm lần mức thưởng 25 triệu.
Có một điểm đáng chú ý nữa, là cơ quan quản lý cấp nhà nước Bộ VH TT & DL cũng từng thưởng riêng cho ĐTVN vô địch AFF Cup 2008 200 triệu đồng.
Những chi tiết trên cho thấy, ở các cấp độ, tất cả đều ý thức về sự cần thiết phải có những mức thưởng khác nhau, tương xứng với giá trị, công lao và tầm ảnh hưởng của mỗi thành tích.
Nhưng trước khi trông chờ sự thay đổi từ cấp vĩ mô (chuyện này rất khó và sẽ rất lâu), thì tự mỗi Liên đoàn của các bộ môn phải chạy, chứ không thể chỉ là kêu và than. Liên đoàn Bóng đá là tấm gương và là ví dụ.
Liên đoàn điền kinh chẳng hạn, đó cũng là một bộ môn thu hút được sự chú ý của dư luận, được truyền thông chú ý và có lẽ không thiếu những doanh nghiệp nhảy vào tưởng thưởng cho các công lao của các ngôi sao Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Đình Cương, Vũ Văn Huyện.
Nên nhớ, người giàu nhất trong giới thể thao ở Trung Quốc không phải là bất cứ ai trong làng bóng tròn, mà là Lưu Tường, VĐV chạy 110m vượt rào, và cũng phải đưa thêm một chi tiết là nội dung này không phải là đỉnh trong cơ cấu các nội dung của môn thể thao nữ hoàng.
Có một thực tế chưa thấy có sự thay đổi, là các Liên đoàn của các bộ môn khác đều khá chậm chạp trong việc thích ứng với cơ chế mới, với xu hướng thể thao là một mặt trận kinh doanh, bên cạnh mặt trận chuyên môn, thi đấu, giành thành tích.
Thế thì, không thể trách cái quy định khen thưởng nào đó, mà phải nhìn thẳng vào bản thân của những Liên đoàn chịu trách nhiệm với từng bộ môn.
Bình luận (0)