Chỉ riêng cái tên khá đặc biệt của chị cũng đã gợi lên sự tò mò đối với người hâm mộ bởi không nhiều người biết rõ chị được sinh ra đúng vào dịp lễ trọng của người Công giáo và thế là cha mẹ lấy ngày Noel đặt luôn tên cho con gái. Điều này được chính Vũ Thị Noel khẳng định trong cuộc trò chuyện thú vị qua… messenger giữa mùa cách ly.
- Tôi xách vợt theo tập những đường bóng đầu tiên ở "lò" CLB Quân Đội khi mới 10 tuổi, nói chính xác là bị chị gái tuyển thủ quốc gia Vũ Thị Hòa "lôi kéo". Chưa có khái niệm gì về bóng bàn nhưng cũng vì cảm thấy thích thú, tôi tập luyện rất chăm và sau hai năm, tôi bắt đầu được cử tham gia các giải thiếu niên. Những tấm huy chương bạc, vàng như thêm sức quyến rũ cho tôi khi thi đấu lên cao ở các giải trẻ. Năm 1984, tôi giành được HCV đơn nữ tại Giải Vô địch quốc gia, khởi đầu cho loạt thành tích đến nay vẫn được đánh giá cao khi tôi có thêm bốn lần nữa đăng quang vào các năm 1987, 1990, 1991 và 1994. Tôi cũng giành được nhiều danh hiệu ở các nội dung đồng đội, đôi nam nữ và đôi nữ quốc gia, giành HCB đồng đội nữ tại kỳ SEA Games 1989 tổ chức ở Malaysia.
Vũ Thị Noel (trái) tại SEA Games 1989
+ Cuộc đời sau thi đấu của chị ra sao, có đầy ắp vinh quang như thời còn gắn với những tháng ngày chinh chiến không mệt mỏi?
- Có được những danh hiệu để đời như vậy, tôi luôn biết ơn những người thầy, ban đầu là HLV Tạ Đình Khoa và sau là HLV Nguyễn Thế Ngọc. Mang cái ơn lớn như vậy, sau khi nghỉ thi đấu vào năm 1995, tôi quyết định theo học Trường Đại học TDTT Từ Sơn và nhận lời làm HLV đội tuyển trẻ Quân đội từ năm 2000 với cấp hàm hiện nay là thượng tá, quân nhân chuyên nghiệp. Ngoài học trò ruột cũng là cháu trai Vũ Hoài Thanh đang tập trung tập huấn cùng đội tuyển quốc gia, nhiều học trò từ đội trẻ do tôi huấn luyện cũng đã giành được huy chương quốc gia, mang đến niềm vui không gì sánh bằng cho tôi sau 45 năm gắn bó với bóng bàn.
Thượng tá, HLV Vũ Thị Noel gắn bó với sự nghiệp đào tạo trẻ
+ Một chút riêng tư nhé, các con hẳn không theo nghiệp của mẹ khi không thấy chị nhắc đến lúc nói về bóng bàn?
- Con trai tôi đã 29 tuổi còn con gái 25 tuổi, cả hai đều đã tốt nghiệp đại học ngành thiết kế đồ hoạ và làm việc đúng ngành học tại các công ty thiết kế hoặc đạo diễn quảng cáo. Ông xã là người ngoài ngành, còn bản thân tôi cũng đã nhận quyết định nghỉ hưu cuối năm 2021. Tôi chưa có dự định gì sắp tới ngoài việc cho phép bản thân tạm nghỉ ngơi sau 45 năm theo đuổi bóng bàn.
Vũ Thị Noel (thứ ba, từ trái sang) và đội tuyển bóng bàn Việt Nam
+45 năm… Hỏi vui một chút, chị có nhớ được mình đã sử dụng mấy cây vợt cùng bao nhiêu quả bóng rồi không?
- Chịu thôi, bóng thì không thể đếm và nhớ được. Còn vợt, trước kia có điều kiện đâu anh, bao nhiêu năm chỉ dùng mãi một cây vợt, sau này mới có điều kiện thay đổi vợt liên tục.
+ Nếu không bị "lôi kéo" theo bóng bàn, chị sẽ theo nghề gì nếu được phép chọn lựa lại?
- Cũng khó trả lời! Nếu không phải theo nghề bóng bàn, chắc tôi sẽ theo đuổi thời trang, phụ nữ mà, ai cũng thích làm đẹp cho mình, cho đời, chưa kể tôi cũng nghĩ mình cũng có chút năng khiếu về lĩnh vực này.
+ Ngày xưa, chị và anh đến với nhau từ duyên cớ gì, có liên quan đến bóng bàn không?
- Dạ không, anh ấy đi làm việc tại Tiệp Khắc và về nước 1988. Chúng tôi quen nhau và anh ấy lúc này mới bắt đầu để ý đến bóng bàn. Anh chỉ thích bóng bàn và tình nguyện làm tài xế đưa đón, cổ vũ tôi không thiếu trận nào.
Vũ Thị Noel (bìa phải)
+ Những nhân vật bóng bàn nào gây nhiều ấn tượng cho chị nhất? Chị còn duy trì quan hệ với họ hoặc lưu giữ ký ức về những trận đấu nào nhiều nhất ?
- Tay vợt Nguyễn Thị Mai (Mai lớn) được tôi dõi theo như một thần tượng thực sự với lối đánh gò phản công và có đến 10 năm vô địch quốc gia không có đối thủ. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên thắng được chị Mai để đoạt chức vô địch quốc gia năm 1984 và đó là trận đấu mà phải dùng đến luật đánh luân lưu, tôi mới có được chiến thắng. Chị Mai đánh gò và chuyên phản công bằng quả bạt. Phát hiện chị không biết giật nên khi chị giao bóng, tôi không đánh chỉ gò thấp sát lưới, ngăn không để chị bạt bóng. Khán đài đông nghẹt người xem và lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Còn sau thời gian thi đấu bóng bàn đỉnh cao, tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với cựu danh thủ Nguyễn Bích Ngọc, tay vợt tên tuổi một thời của Hà Nội và đội tuyển quốc gia.
Vũ Thị Noel tham dự giải đấu bóng bàn lão tướng toàn quốc
+ Có tới 45 năm theo bóng bàn, chị nghĩ gì về thực trạng phong trào và bóng bàn đỉnh cao hiện nay?
- Phong trào bóng bàn nghiệp dư phát triển nhiều những năm gần đây, nhiều CLB được mở và người dân cũng chơi bóng bàn nhiều hơn. Còn về bóng bàn chuyên nghiệp, ngoài Đình Quang Linh (Quân Đội) đã nghỉ đấu và chuyển sang công tác huấn luyện, vẫn chỉ là vài gương mặt quen thuộc như Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Đức Tuân, Đoàn Bá Tuấn Anh hay Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga… bên cạnh Mai Ngọc là VĐV trẻ nhiều triển vọng. Dịch bệnh Covid-19 khiến thể thao bị đình trệ, bóng bàn không được thi đấu cũng như tập huấn nước ngoài nên nhìn chung chưa có thay đổi nhiều.
Riêng trong lực lượng bóng bàn Quân Đội có giảm sút do một số yếu tố, một số VĐV nòng cốt đến tuổi và nghỉ thi đấu, một số VĐV rẽ ngang còn VĐV trẻ chưa đáp ứng được nhiệm vụ thay thế lứa đàn anh. Tôi nghĩ cũng phải 3-4 năm nữa, lứa trẻ bóng bàn Quân đội mới đủ tầm chen chân vào tốp 4 quốc gia.
Thượng tá Vũ Thị Noel
+ Câu hỏi cuối, theo chị, từ đâu có sự thay đổi khác nhau giữa niềm đam mê của người chơi bóng bàn trước kia và ngày nay?
-Tôi nghĩ tại trước kia VĐV theo nghiệp bóng bàn thường lâu dài hơn là do từ nhỏ đã chơi rồi và ít có cơ hội để đổi sang một lĩnh vực khác nên khi đã đam mê thì cứ theo đuổi một nghề. Bây giờ xã hội phát triển rất nhiều ngành nghề để các bạn trẻ chọn lựa nên khi việc thi đấu bóng bàn không tiếp tục đạt thành tích cao nữa thì các bạn sẽ nghỉ để chuyển hướng sang một nghề khác.
+ Xin cảm ơn cựu danh thủ Vũ Thị Noel về cuộc trò chuyện thú vị này .
Bình luận (0)