Suốt nhiều tuần qua, các cuộc đàm phán, thương thảo về việc chuyển nhượng CLB bóng đá Newcastle từ ông chủ Mike Ashley sang Quỹ đầu tư tài chính công Ả Rập Saudi (PIF) gây xôn xao không chỉ giới bóng đá Anh mà cả làng cầu châu Âu. Mức giá sang nhượng 300 triệu bảng không phải là vấn đề gì to tát nhưng hậu trường vụ tiếp quản này dậy sóng bởi sự nhập cuộc của Tổ chức Ân xá quốc tế cũng như các tổ chức nhân quyền.
Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng đầu Quỹ đầu tư công Ả Rập Saudi
Người ta nhắc nhiều đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cách đây vài năm, được cho là do đích thân Thái tử Mohammed bin Salman chỉ đạo thực hiện. Vị thái tử được tấn phong là người thừa kế ngai vàng quốc gia giàu có Ả Rập Saudi, cũng chính là người đứng đầu PIF có vốn pháp định lên đến 320 tỉ bảng. Dư luận cho rằng, nếu vụ tiếp quản Newcastle thành công, hình ảnh và thương hiệu của giải Ngoại hạng Anh sẽ bị vấy bẩn.
Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018
Tuy nhiên, đằng sau tất cả có thể là câu chuyện giải đấu được xem là hấp dẫn nhất châu Âu này đã, đang và sẽ còn bị xâm phạm lợi ích hết sức nghiêm trọng, chưa kể đó còn là hành vi chà đạp trắng trợn luật pháp quốc tế trong lĩnh vực bản quyền thương mại, vấn đề sống còn của nhiều tổ chức.
Ông chủ mới của Newcastle giàu nhất Ngoại hạng Anh
Tháng trước, hãng truyền hình beIN Sports (Qatar) đã viết thư gửi Ban tổ chức và lãnh đạo 20 đội bóng Ngoại hạng Anh, yêu cầu lên tiếng ngăn chặn thương vụ mua bán Newcastle. beIN Sports chính là đối tác nắm giữ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở khu vực Trung Đông nhưng vài năm trở lại đây, kênh truyền hình beoutQ – được cho là do chính quyền Ả Rập Saudi "chống lưng" – ngang nhiên chiếm sóng và bán lại cho các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với giá rẻ gấp nhiều lần.
Đầu thu truyền hình của beoutQ được bán với giá 80 bảng
Theo nhật báo The Sun (Anh), "tiếp tay" đắc lực cho các vụ xâm phạm bản quyền truyền hình bóng đá Anh chính là một hộp nhỏ màu đen, được bán với giá chỉ 80 bảng trên thị trường. Loại đầu thu này thực sự lợi hại, cho phép người xem truy cập bất hợp pháp mọi chương trình phát sóng của các hãng truyền hình như Sky, BBC, Netflix, Amazon và chủ yếu là các trận đấu Ngoại hạng Anh. Có khoảng ba triệu đầu thu này lưu hành tại thị trường Ả Rập Saudi, một số ít xuất hiện ngay tại các nước trong Vương quốc Anh.
Mike Ashley (trái) quyết định bán lại Newcastle sau 13 năm cầm quyền
Sự phản đối đang gia tăng mạnh mẽ khi mới đây, nghị sĩ Giles Watling đã yêu cầu chính phủ Anh tổ chức một phiên điều trần liên quan đến việc beoutQ vi phạm bản quyền truyền hình thể thao. Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cũng đã nắm trong tay một số bằng chứng về mối quan hệ giữa chính quyền Ả Rập Saudi và một hãng truyền hình nước này chuyên phát sóng bất hợp pháp các sự kiện thể thao.
Người phụ nữ quyền lực Amanda Staveley đứng sau vụ mua bán Newcastle
Những nhân vật quyền lực ở Ả Rập Saudi, gồm cả thái tử Mohammed Bin Salman, đã phủ nhận mọi cáo buộc về mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng beoutQ. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Giles Watling, thành viên Ủy ban Kỹ thuật - Văn hóa - Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh, không ngần ngại tuyên bố có đủ bằng chứng cho thấy PIF chính là tổ chức hậu thuẫn cho beoutQ.
CĐV Newcastle chán nản với Mike Ashley nhưng cũng không chắc ủng hộ chủ mới
Một nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ khác, ông Karl McCartney, kêu gọi chính phủ ngăn chặn thỏa thuận này khi cho rằng vấn đề vi phạm bản quyền sẽ làm suy yếu bóng đá Anh. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden khẳng định, Chính phủ Anh sẽ không can thiệp vào việc mua bán CLB Newcastle và yêu cầu những người phản đối cung cấp bằng chứng xác thực.
Bình luận (0)