Xem lại trận chung kết Champions League 2017:
Vừa gây chấn động dư luận thế giới khi phanh phui vụ án Cristiano Ronaldo cưỡng bức một người mẫu Mỹ năm 2009, tạp chí Der Spiegel (Đức) vừa công khai tài liệu về việc đội bóng Real Madrid liên tiếp "vướng" các sự cố doping từ năm 2017 đến nay nhưng đều được UEFA "nhắm mắt làm ngơ", cho qua một cách êm thấm.
Sự thật bao giờ cũng là sự thật và thông tin do trang Football Leaks cung cấp đã được nhóm nhà báo điều tra của Der Spiegel làm cơ sở cho một cuộc điều tra công phu xoay quanh hậu trường trận chung kết Champions League mùa giải 2016-2017.
Sergio Ramos trong trận chung kết với Juventus thang 6-2017
Ngày 4-6-2017, mẫu thử doping mang số hiệu 3324822 đã được chuyển từ Xứ Wales – địa điểm đăng cai trận chung kết Champions League - đến một phòng xét nghiệm ở Seibersdorf, Áo. Bản kết quả xét nghiệm do Phó Giám đốc phòng xét nghiệm này ký tên được chuyển về UEFA sau đó 1 tháng ghi rõ, mẫu thử có dấu vết của chất dexamethasone, một chế phẩm cortisone có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Tuy nhiên, dexamethasone cũng có khả năng giúp làm tăng nhận thức và sự tập trung, tạo được hiệu ứng hưng phấn nhất định. Đây mới là tác dụng mà các VĐV cần đến nhất và dĩ nhiên, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) cũng biết rõ và đã đưa dexamethasone vào danh mục các chất bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao.
Chia vui với pha ghi bàn của Casemiro
Theo quy định, dexamethasone được sử dụng trong vòng 24 giờ trước các trận đấu bóng đá nhằm chữa trị các cơn đau cho cầu thủ và bác sĩ của đội bóng có trách nhiệm phải thông báo về việc này, nếu không, sự việc sẽ được quy kết là sử dụng doping và các biện pháp trừng phạt sẽ đến ngay sau đó.
Mẫu thử số hiệu 3324822 thuộc về Sergio Ramos, thủ quân của Real Madrid. Không chỉ dexamethasone, bản kết quả xét nghiệm còn công bố celestone chronodose - một chế phẩm glucocorticoid có tác dụng chống viêm - cũng được phát hiện trong mẫu thử của Ramos. Bác sĩ của Real Madrid thừa nhận đã tiêm hai chất kể trên vào vai và đầu gối Ramos 1 ngày trước trận chung kết nhưng lại "quên" không thông báo cho bộ phận kiểm tra doping của UEFA.
Người đầu tiên giương cao cúp vô địch sau trận chung kết
Tài liệu điều tra của Der Spiegel còn chỉ ra, không riêng Sergio Ramos, nhiều cầu thủ trụ cột khác của Real Madrid cũng liên quan đến một sự cố "thử doping" ồn ào khác. Tháng 2-2017, tức bốn tháng trước trận chung kết Champions League kể trên, 2 thành viên bộ phận kiểm tra doping của UEFA bất ngờ có mặt ở Madrid để lấy mẫu thử (máu) của 10 cầu thủ Real. Trong số này, tất nhiên có cả Cristiano Ronaldo , người sau đó viện cớ "bao giờ tôi cũng bị chọn thử" để làm cho bầu không khí cuộc kiểm tra trở nên căng thẳng.
Ronaldo lập cú đúp trong trận chung kết
Sau khi Ronaldo và Toni Kroos được lấy mẫu thử, một nhóm nhân viên y tế của Real Madrid bất ngờ xuất hiện và tự ý dùng kim tiêm lấy mẫu máu của 8 cầu thủ còn lại, bất chấp ý kiến bộ phận kiểm tra doping của UEFA. Theo quy định, chỉ có người của UEFA được lấy mẫu thử và quá trình làm việc không ai được phép can thiệp.
Sau đó, tổng giám đốc Jose Sanchez của Real Madrid thậm chí còn chỉ trích bộ phận kiểm tra doping của UEFA "làm việc thiếu chuyên nghiệp, non kinh nghiệm và để tình hình vượt ra ngoài quyền kiểm soát" và khẳng định Ronaldo có quyền phàn nàn khi 2 lần bị đặt ống tiêm mà không tìm được đúng tĩnh mạch (quy định được phép đến 3 lần!), vì thế, nhân viên y tế của Real Madrid phải tự đứng ra thực hiện.
Toàn đội Real Madrid trước trận chung kết
Không rõ từ những nguồn tác động nào, UEFA sau đó đã cho xếp hồ sơ hai vụ việc này vào tủ đóng kín, không truy cứu thêm sự việc và đương nhiên, không có bất cứ hình phạt nào dành cho Ramos, bác sĩ của đội bóng cũng như cho cả Real Madrid.
Cố ý cản trở thử doping
Tháng 4-2018, sau trận đấu trên sân Malaga tại La Liga, bộ phận phòng chống doping của La Liga đã yêu cầu Sergio Ramos lấy mẫu thử nước tiểu. Theo quy định, mẫu thử phải được lấy trước khi đi tắm để tránh làm biến đổi kết quả.
Ramos kiên quyết đòi tắm trước với lý do "toàn đội bóng đang chờ để bay về Madrid" và tắm ngay trước mặt các nhân viên này, bất chấp sau đó sự việc được ghi vào biên bản để báo cáo. Đáng ngạc nhiên là quy trình xử lý các vụ việc tương tự chỉ trong vòng 4 tuần lễ nhưng Cơ quan phòng chống doping La Liga lại mất đến 5 tháng để xem xét sự việc trước khi đóng hồ sơ, không ra bất cứ án phạt nào dù theo luật, CLB nào có cầu thủ vi phạm hoặc cản trở quá trình lấy mẫu thử sẽ bị phạt 300.000 euro, bị trừ điểm hay nặng hơn là CLB bị đánh rớt hạng.
Bình luận (0)