Tại Á vận hội trẻ (Đại hội Thể thao trẻ châu Á) 2013 vừa kết thúc ở Nam Kinh - Trung Quốc, trừ sự cố kỹ thuật dẫn đến động tác xuất phát không chuẩn ở cự ly 100 m ngửa (chỉ về nhì), Nguyễn Thị Ánh Viên thành công ngoài mong đợi ở 3 nội dung thi đấu còn lại, giành đủ 3 HCV. Sau Hữu Việt và Quý Phước bắt đầu nổi lên từ đường đua xanh SEA Games, bơi lội Việt Nam 2 năm qua được nâng tầm ở sân chơi châu Á mà Ánh Viên chính là con át chủ bài với 4 ngôi vô địch cấp châu lục trong vòng 2 tháng.
Chiếc HCV quần vợt đơn nam của Hoàng Nam tại Á vận hội trẻ 2013 mang ý nghĩa lịch sử khi quần vợt Việt Nam chưa bao giờ thành công ở đấu trường châu lục, dù chỉ cấp độ trẻ. Tại các cuộc tranh tài ở Nam Kinh, Hoàng Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và năng lực chuyên môn tuyệt vời khi lần lượt vượt qua các đối thủ hơn hẳn về tuổi đời, tuổi nghề lẫn thứ hạng. Trong đó, trận chung kết với Mendoza (Philippines) chính là dấu ấn khi đối thủ của Nam cao hơn về thứ hạng cũng như vượt trội về chuyên môn. Không chỉ giới chuyên môn, các CĐV và tay vợt trẻ Trung Quốc cũng rất ấn tượng với bản lĩnh của Hoàng Nam. Cần nhắc lại: Quần vợt Trung Quốc sản sinh nhiều tay vợt nữ nhà nghề giỏi như nhà vô địch Pháp mở rộng Li Na, vô địch đôi Grand Slam Zheng Jie nhưng họ chưa có tay vợt nam nào ấn tượng.
Trước đó, 3 lần bước lên bục huy chương trong vòng 2 tháng, từ các giải đấu Grand Prix (Singapore Open, Mỹ mở rộng) cho đến sân chơi thế giới, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh thể hiện “vị cay gừng già” nồng nàn bằng những chiến tích khó có thể lặp lại trong sự nghiệp đã bước qua tuổi 30 của mình. Với Lê Quang Liêm, sau HCV thế giới môn cờ chớp và vị trí hạng 4 thế giới cờ nhanh, anh đã thi đấu tưng bừng trước các cao thủ thế giới để vào đến vòng 4 World Cup cờ vua - thành tích làm nức lòng người hâm mộ khắp nơi cũng như sự nể phục từ chính các đối thủ.
Điểm chung của các chiến công nêu trên là gì? Tiến Minh và Quang Liêm có bệ phóng từ khả năng tài chính của gia đình, quyết tâm rất cao của từng người và ý chí phấn đấu không ngừng suốt nhiều năm qua. Với Ánh Viên và Hoàng Nam, thành công có xuất phát điểm từ một phần đóng góp quan trọng của đơn vị chủ quản, nuôi dưỡng tài năng đồng thời định hướng, chủ trương đúng đắn đưa đi tập huấn nước ngoài, thọ giáo các chuyên gia hàng đầu…
Rõ ràng, một khi được đầu tư bài bản, quyết liệt và đúng hướng, VĐV Việt Nam hoàn toàn có khả năng tranh chấp thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế ở những môn thi chính thống, lâu đời.
Tin vui cho thầy trò Hoàng Nam Ngoài mức thưởng 2.000 USD cho Hoàng Nam và 1.000 USD cho HLV Trần Đức Quỳnh (thầy của Nam tại CLB Becamex Bình Dương), Thường trực Liên đoàn Quần vợt Việt Nam vừa thống nhất đề nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục TDTT đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng bằng khen cho tay vợt này và tặng giấy khen của bộ trưởng cho HLV Đức Quỳnh. Chuyên gia quần vợt Úc Michel Baroch (từng huấn luyện cho Maria Sharapova) sẽ sang Việt Nam đầu tuần này để hỗ trợ cho các VĐV trẻ, trong đó đánh giá và tư vấn chuyên môn cho Hoàng Nam. |
Bình luận (0)