Tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) công bố bản báo cáo nêu rõ việc sử dụng doping trong tập luyện và thi đấu đã thành hệ thống ở điền kinh Nga, lại được sự bao che, dung túng của các giới chức có trách nhiệm. Tập hồ sơ này đã làm chấn động cả thế giới khiến các bên liên quan như Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), IOC phải nhập cuộc mà đỉnh điểm là việc ban hành lệnh cấm điền kinh Nga không được tranh tài tại Olympic Rio.
Chính phủ Nga nhanh chóng chấm dứt hoạt động của Phòng xét nghiệm doping tại Moscow, nơi bị cho là làm sai lệch, hoán đổi kết quả hàng ngàn mẫu thử dương tính với chất cấm của các VĐV Nga, giúp họ được thi đấu và giành huy chương tại các sự kiện thể thao lớn. Đích thân tổng thống Putin ra lệnh tiến hành điều tra toàn diện xung quanh kết quả điều tra của WADA và yêu cầu Bộ Thể thao Nga phải hợp tác đầy đủ với WADA cùng các quốc gia khác trong việc phòng chống đại dịch doping.
Chuyện chưa kịp lắng xuống thì hôm 18-7, WADA lại tung thêm một “quả bom” khác, lần này là kết quả điều tra toàn diện về việc các VĐV Nga sử dụng doping tại Olympic mùa Đông Sochi 2014. Phương Tây quá ngạc nhiên với sự tiến bộ rõ rệt của thể thao Nga, từ chỗ chỉ có 3 HCV tại Vancouver 2010 đã giành đến 13 HCV, đứng đầu toàn đoàn tại Sochi 2014. Họ không tin quyết tâm của người Nga khi bỏ ra hàng tỉ USD để đăng cai Sochi 2014, trong đó ngân sách dành cho đoàn thể thao Nga tăng gấp đôi so với dự kiến để lấy lại uy tín của một cường quốc thể thao.
Chẳng ai rõ cuộc điều tra do một bộ phận độc lập của WADA, đứng đầu là giáo sư luật R.McLaren, tiến hành ra sao sau “sự cố điền kinh” khiến thể thao Nga gồng mình lên phòng bị, quyết đối đầu với phương Tây. Cuộc điều tra tập trung chủ yếu vào phòng xét nghiệm doping đã bị đình chỉ hoạt động tại Moscow, xoay quanh lời kể của cựu giám đốc G.Rodchenkov, người từng buộc phải từ chức hồi tháng 11-2015 sau khi bị tố cáo đã che giấu kết quả xét nghiệm các mẫu thử, tống tiền VĐV và đánh tráo, sửa đổi kết quả cũng như hủy 1.417 mẫu thử.
Kết quả điều tra không đưa ra vấn đề gì mới so với trước đây, chỉ có thêm phần mô tả về cái gọi là “Phương pháp xóa dấu vết tích cực”, kết nối trách nhiệm của thứ trưởng thể thao Nga Y.Nagornykh cùng với người đứng đầu bộ này V.Mutko trong việc điều hành toàn bộ chiến dịch “săn huy chương” ở Olympic mùa Đông Sochi. Số liệu mẫu thử bị tráo đổi đã giảm chỉ còn khoảng 50% trong số 557 mẫu nhưng số lượng các môn thể thao Nga có VĐV sử dụng doping được nâng lên đến 22/28 môn dự kiến sẽ dự Olympic Rio!
IOC tuyên bố sẽ không ngần ngại đưa ra những hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho thể thao Nga. WADA thì kêu gọi các nhà tổ chức đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với thể thao Nga tại Rio sắp tới. Trong khi đó, tổng thống Nga V.Putin nhắc lại về sự nguy hiểm khi chính trị can thiệp vào thể thao. Ông nhấn mạnh: “Hình thức có thể thay đổi nhưng bản chất vẫn như cũ, tức phương Tây dùng thể thao như một công cụ tạo áp lực về địa chính trị, tạo dựng hình ảnh tiêu cực về các quốc gia. Phong trào Olympic luôn có một vị trí quan trọng trong việc đoàn kết nhân loại, nay lại bị dẫn dắt đến bờ vực của sự chia rẽ”.
Trong lịch sử, từng có 9 quốc gia bị cấm đến Thế vận hội vì lý do chính trị thời 2 cuộc Thế chiến (Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Nhật Bản) và những giai đoạn lịch sử sau đó (Nam Phi, Rhodesia, Bắc Triều Tiên, Afghanistan). Liệu Nga có trở thành quốc gia thứ 10 trong “danh sách đen” này hay không?
Bình luận (0)