Không chỉ FIFA, ngay cả Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE) cũng có Tiểu ban Đạo đức, một cơ quan quyền lực bao trùm mọi hoạt động làng cờ. Nếu như bên FIFA, hai nhân vật “cộm cán” Sepp Blatter và Michel Platini gây náo loạn cả làng túc cầu khi mới bị đình chỉ hoạt động 90 ngày thì FIDE “cao tay ấn” hơn với án phạt 2 năm dành cho cựu vô địch thế giới Gary Kasparov lẫn nguyên Tổng thư ký Ignatius Leong.
Cựu vô địch thế giới Gary Kasparov và nguyên Chủ tịch LĐ cờ Đông Nam Á, Tổng thư ký FIDE Ignatius Leong
Thông báo của Tiểu ban Đạo đức FIDE nêu rõ, hai ông Kasparov và Leong bị cấm đảm nhiệm các chức vụ ở FIDE, các liên đoàn quốc gia thành viên, liên đoàn cờ các châu lục hoặc tham gia bất cứ tổ chức quốc tế nào liên quan đến cờ, bị cấm tham dự các cuộc hội họp của FIDE với tư cách đại diện các tổ chức thành viên…Nói chung, hai quan chức FIDE này bị tách khỏi mọi hoạt động cờ, bị cô lập đối với đời sống của cờ vua thế giới, bắt đầu từ ngày 21-10-2015 đến 20-10-2017.
Nguyên nhân dẫn đến án phạt này chủ yếu xoay quanh các hoạt động của hai cựu quan chức này ở cuộc bầu cử chủ tịch FIDE năm 2014, cộng thêm những cáo buộc của vị chủ tịch tái cử Kirsan Ilyumzhinov đối với hai đối thủ của ông, chính là Ignatius Leong và Garry Kasparov.
Theo nguồn tin của The New York Times, trước khi tuyên bố ứng cử chức chủ tịch FIDE, tháng 8-2013, cựu vô địch thế giới Garry Kasparov đã có cuộc gặp riêng với tổng thư ký Ignatius Leong nhằm hình thành liên minh chống lại đương kim chủ tịch Kirsan Ilyumzhinov. Tại cuộc gặp gỡ này, Leong được yêu cầu ủng hộ Kasparov ở cuộc tranh cử, đổi lại, Leong vẫn giữ được cương vị của mình, thậm chí có thể ngồi cao hơn ở nhiệm kỳ mới và được nhận số tiền 500.000 USD. Không những thế, ứng viên Kasparov còn tuyên bố sau khi thắng cử sẽ mở một văn phòng đại diện FIDE tại Singapore (quê hương của Leong) để ông này trực tiếp điều hành kèm theo những khoản chi phí rất lớn dùng cho hoạt động của văn phòng, tất nhiên chưa được tiết lộ.
Bản hợp đồng ghi rõ các điều khoản kể trên do chính một cộng sự thân tín của Kasparov là luật sư người Na Uy Morten Sand soạn thảo. Luật sư này khẳng định tính xác thực của bản hợp đồng trong một email gửi đến The New York Times và cho biết thêm, rằng bản hợp đồng này sau đó bị thay thế bằng một hợp đồng khác, trong đó ghi rõ, “các bên liên quan đồng ý với việc mọi hỗ trợ về kinh phí đều được dùng cho việc phát triển môn cờ và các hoạt động liên quan đến cờ, không thuộc về bất cứ cá nhân nào”. Những chi tiết thỏa thuận này, sau đó, được đăng công khai trên website tranh cử của Kasparov.
Bản hợp đồng ban đầu kể trên cũng nói đến việc đổi lại sự ủng hộ của Ignatius Leong, Quỹ cờ vua Kasparov – tổ chức có trụ sở ở New York – sẽ chuyển tiền cho Học viện cờ vua châu Á, một tổ chức do chính Leong sáng lập và điều hành để đào tạo các tài năng trẻ cờ vua, mỗi lần 250.000 USD/năm trong bốn năm, bắt đầu từ năm 2013, bất kể việc Kasparov có thắng cử hay không.
Ngoài ra, Quỹ cờ vua Kasparov cũng đồng ý thành lập mới một học viện cờ vua tại châu Á, hợp tác chặt chẽ với cơ sở của Leong trong việc đào tạo, bắt đầu từ tháng 11- 2013. Về phần mình, Leong có trách nhiệm đảm bảo ít nhất 11 lá phiếu của khu vực châu Á, có thể lên đến 15 phiếu (không tính Trung Quốc), bầu cho Kasparov, theo nội dung bản hợp đồng đầu tiên.
Theo nguyên tắc bầu cử, mỗi liên đoàn quốc gia đều có quyền bỏ phiếu và có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác bỏ phiếu thay. Kirsan lyumzhinov, người đứng đầu FIDE từ năm 1995, đã đánh bại ứng viên Anatoli Karpov ở cuộc bầu cử năm 2010 bằng số phiếu áp đảo (95 và 55) và Kasparov học được rất nhiều kinh nghiệm từ việc bầu cử này khi đa phần phiếu ủng hộ Ilyumzhinov đều đến từ châu Phi và châu Á.
Đứng sau cựu vô địch thế giới Kasparov trong chiến dịch tranh cử năm 2014 là Rex Sinquefield, một doanh nhân về hưu tại thành phố St. Louis (Mỹ) và hoàng thân xứ UAE Sheik Mohammed bin Ahmed al-Hamed, người sở hữu khối bất động sản rất lớn trên thế giới.
Tham nhũng, hối lộ, mua bán phiếu bầu không phải là chuyện mới mẻ ở FIDE. Người tiền nhiệm của Ilyumzhinov là Florencio Campomanes, một quan chức cờ của Philipppines đắc cử năm 1982, đã phải ra tòa ở nước này năm 2003 do không thể giải trình việc sử dụng 13 triệu peso Philippine (khoảng 240.000 USD) khi tổ chức Olympiad cờ vua thế giới 1992 tại Manila. Việc kết tội Campomanes lần đó bất thành do luật pháp Philippines không thể “đụng” tới FIDE kể từ khi tổ chức này chuyển trụ sở đến Lausanne, Thụy Sĩ. Thậm chí, trước khi đột ngột rời ghế chủ tịch FIFE năm 1995, Campomanes còn “hỗ trợ” tối đa để Ilyumzhinov thắng cử!
Kirsan Ilyumzhinov, một doanh nhân Cộng hòa Kalmykia thuộc Liên Xô cũ được bầu làm tổng thống nước cộng hòa nhỏ bé này năm 1993 khi mới 31 tuổi. Ông rời công việc của một chính khách sau khi từ chức năm 2010 để tập trung vào cờ vua dù trước đó, không ai trong làng cờ biết đến tên tuổi chính trị gia này.
Maxim Dlugy, cựu vô địch cờ vua trẻ thế giới nay đang điều hành một doanh nghiệp, cho biết, ông từng được nghe tổng thống Kalmykia Alexey Orlov kể rằng Ilyumzhinov đã chi đến 7 triệu USD để ve vãn các liên đoàn quốc gia, giúp ông thắng cử năm 2010.
Bình luận (0)