Đó là diện mạo được nhìn thoáng qua, với nhiều tín hiệu lạc quan. Nhưng phải nhìn kỹ, nhìn thấu đáo để nhận ra thực lực của bóng đá Việt Nam (BĐVN), để hướng tới tương lai.
Trẻ trung
Chưa bao giờ BĐVN ở cấp đội tuyển trẻ trung đến vậy. U23 vừa trình diễn thật ấn tượng tại SEA Games 22 còn ít ra đến 12 cầu thủ có thể tiếp tục chơi ở SEA Games 23, trong đó có Văn Quyến, Tài Em, Quốc Vượng, Văn Trương, Thanh Bình, Công Vinh... Những cầu thủ khác quá tuổi 23 ở SEA Games tới như Hữu Thắng, Minh Phương, Thế Anh, Huy Hoàng, Duy Hoàng, Thanh Phương... đều có thể góp mặt vào đội tuyển quốc gia nếu giữ được phong độ. Như vậy cả U23 cho SEA Games 23 và ở đội tuyển quốc gia chúng ta đều có lứa cầu thủ trẻ đã được trui rèn. Đó là chưa kể năm 2003 chúng ta gặt hái thành công rất lớn ở các giải trẻ: cả U17, U18 và U20 đều lọt vào vòng chung kết cấp châu lục. Những Mai Tiến Thành, Quý Sửu, Đoàn Việt Cường, Phan Thanh Trúc mới ở lứa U18, là nguồn bổ sung rất quan trọng cho U23 trong tương lai.
HLV A. Riedl đến VN để lại 3 trận chung kết cấp khu vực ấn tượng. Nhưng với Riedl, BĐVN không bao giờ quên câu nói “bất hủ”, như một lời nguyền: “BĐVN xây nhà từ trên nóc” (1998). Lời nguyền đó chỉ ra điểm yếu chết người của BĐVN: Chỉ lo thành tích trước mắt mà không có chiến lược đầu tư lâu dài, bắt đầu từ bóng đá trẻ. Lời nguyền đó giờ đây đã được các cầu thủ U23 bắt đầu phá bỏ. Còn nhớ ở vòng chung kết U16 châu Á – Đà Nẵng 2000, lứa U16 VN chơi tưng bừng lúc bấy giờ, chủ yếu là của Sông Lam Nghệ An. Đó cũng là lứa cầu thủ làm nền tảng cho U23 VN ở SEA Games 22: Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn... Nói một cách khác, Sông Lam đã phá bỏ lời nguyền Riedl từ lúc ấy. Gieo gì gặt nấy, trong bóng đá cũng vậy. Giờ đây Sông Lam đã “xuất khẩu” cầu thủ với số lượng hơn cả một đội hình, thu về tiền tỉ. Trong khi đó các CLB khác chạy đôn chạy đáo mua cầu thủ nội lẫn ngoại. Cũng có một số CLB khác như Đà Nẵng, Đồng Tháp hái quả ngọt từ đào tạo trẻ, nhưng vẫn còn nhiều CLB chưa chú trọng thực sự đến công tác đào tạo trẻ.
Chuyên nghiệp
V. League – mùa giải thứ 4 thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp - sắp khởi động. Điều dễ nhận thấy nhất là tính chuyên nghiệp đã được nâng cao qua sự hoạt động ngày càng độc lập hơn của các CLB. Nếu từ 1999–2000 chỉ có 1 doanh nghiệp làm bóng đá là Cảng Sài Gòn, thì nay có 8 doanh nghiệp cùng làm bóng đá. Sự thành công của doanh nghiệp Hoàng Anh với bóng đá Gia Lai, Đồng Tâm với Long An ở mùa giải qua đã kích thích các doanh nghiệp khác nhảy vào cuộc. Hiện V-League có 7 CLB hoạt động có tính chuyên nghiệp gồm: Ngân hàng Đông Á, Gạch Đồng Tâm – Long An, Hoàng Anh – Gia Lai, Bình Dương, LG - Hà Nội – ACB, Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng. Một số đội còn lại đều có sự tài trợ của các doanh nghiệp, như Sông Đà – Nam Định, Thép Việt Úc – Hải Phòng, Delta – Đồng Tháp. Điều đáng nói là các CLB đang rất có ý thức xây dựng đơn vị theo hướng chuyên nghiệp như hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo, xây dựng hội cổ động viên... Đặc biệt CLB Bình Dương đi một bước đột phá: Ngày hôm nay 2-1-2004 sẽ bán cổ phiếu cho cổ động viên để làm cơ sở tham gia thị trường chứng khoán trong tương lai...
Nhìn toàn cục, V-League phát triển khá nhanh và cũng khá táo bạo, đặc biệt là đang đi đúng hướng. Việc các cầu thủ gạo cội của Thái Lan, nhiều cầu thủ nước ngoài đổ xô vào VN cũng cho thấy V-League đã có sức hấp dẫn nhất định. 5/12 CLB có HLV nước ngoài cũng cho thấy sự đầu tư chiều sâu của các CLB. V-League đi đúng hướng, chuyên nghiệp hơn cũng là nền tảng vững chắc để BĐVN phát triển.
Và âu lo...
Khi được hỏi về bóng đá Đông Nam Á trong tương lai, HLV K. Weigang đã không ngần ngại khẳng định: “Nếu không có gì đột biến, Thái Lan và VN sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực trong thời gian tới”. Nhận xét đó cũng cho thấy rằng chúng ta còn phải tiếp tục chạy theo Thái Lan một thời gian nữa. Thời gian đó ngắn hay dài hoàn toàn tùy thuộc vào ta.
Vấn đề âu lo với BĐVN giờ đây là “bóng ma tiêu cực”. Bóng ma này vẫn còn ám ảnh ở mùa giải tới khi mà “danh sách đen” và một số vụ việc khác chưa được giải quyết dứt điểm. Cũng không ai có thể bảo đảm rằng, giờ đây, khi mặt bằng thu nhập của cầu thủ được nâng khá cao, sẽ loại trừ được tiêu cực. Tiêu cực trong bóng đá được ví như “vũ khí giết người hàng loạt”, sẵn sàng nhấn chìm nền bóng đá một quốc gia vào tăm tối.
Một mối lo âu khác là tìm kiếm HLV cho đội tuyển quốc gia (cả cho U23). Đã đến lúc chúng ta không thể thuê HLV theo thời vụ. Hợp đồng 6 tháng với HLV A. Riedl cho SEA Games 22 với kết quả là chiếc HCB, cũng là điều dễ hiểu. Theo các nhà chuyên môn, để đánh giá được chính xác năng lực một HLV cần có thời gian ít nhất 2 năm. Ngay cả đội tuyển Anh với nhiều siêu sao như vậy mà FA vẫn tìm cách ký hợp đồng dài hạn với HLV Eriksson đến 2008, còn chuẩn bị một HLV sẵn sàng thay thế nếu Eriksson bất ngờ từ chức. Vậy mà ta vẫn thuê HLV ngắn hạn!
Dù còn âu lo nhưng có thể thấy BĐVN năm 2004 với nhiều tín hiệu lạc quan. BĐVN đã bắt đầu xây nhà từ nền móng, yếu tố quan trọng để bóng đá phát triển. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào “tay chèo” của LĐBĐ VN.
Bình luận (0)