Malaysia từng đánh bại Hàn Quốc, điều đó cho thấy sự tiến bộ của bóng đá trẻ Đông Nam Á
Đầu tiên phải nhắc đến giới truyền thông Hàn Quốc. Khi phát sóng các trận đấu tại ASIAD 18, bên cạnh đội nhà Olympic Hàn Quốc vốn có ngôi sao Son Heung Min đang chơi cho CLB Tottenham nên được khán giả Hàn theo dõi rất nhiều, truyền hình Hàn Quốc cũng chiếu cả các trận đấu có Olympic Việt Nam, vì người dẫn dắt là HLV nổi tiếng ở xứ sở kim chi lúc này, ông Park Hang-seo.
"BLV trên truyền hình Hàn Quốc thiên vị Olympic Việt Nam rất rõ rệt. Mỗi khi các học trò của HLV Park Hang-seo ghi bàn hay tấn công, các BLV hô rất lớn với sự phấn khích cao độ. Một số học trò của tôi đang sống ở Hàn Quốc nói điều đó đã xuất hiện kể từ giải U23 châu Á, giải đấu mà Hàn Quốc chỉ về hạng 4, còn U23 Việt Nam của HLV Park về nhì trong một trận chung kết giàu cảm xúc", trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa của Olympic Việt Nam chia sẻ.
Thực tế, số lượng thông tin về Olympic Việt Nam khi dự ASIAD 18 xuất hiện rất nhiều trên các tờ báo chuyên thể thao của Hàn Quốc như Navers Sport, DongA... Hầu hết đều dành nhiều lời khen ngợi cho lối chơi của Olympic Việt Nam, thậm chí còn đánh giá bóng đá trẻ Việt Nam giàu tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ xuất phát điểm là Học viện HAGL JMG rồi sau đó dần được nhân rộng ra với loạt học viện, trung tâm bóng đá hiện đại khác như Hà Nội FC, Viettel hay PVF...
Không phải ngẫu nhiên, nhiều HLV ở Đông Nam Á công nhận hình mẫu xây dựng Học viện HAGL JMG là bài học cho các nước trong khu vực theo đuổi đào tạo trẻ
Trong thời gian diễn ra ASIAD 2018, báo chí khu vực cũng tập trung sự quan tâm cho 5 đội bóng đại diện Đông Nam Á tranh tài ở vòng bảng. Đặc biệt là ngoài chủ nhà Indonesia thì Olympic Việt Nam là đội bóng thu hút các phóng viên quốc tế theo dõi thường xuyên nhất, vì đến dự giải với tư cách là á quân U23 châu Á, điều mà chưa đội bóng nào của Đông Nam Á làm được.
Bên cạnh việc điểm lại những chiến tích cụ thể mà bóng đá trẻ Việt Nam giành được thời gian quan như U20 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc năm 2017, U23 giành á quân U23 châu Á 2018 và giờ là đội Olympic vào đến tứ kết ASIAD, báo chí khu vực nhắc nhiều đến chiến lược đầu tư xây dựng bóng đá trẻ của HAGL.
Tờ The Strait Times của Singapore đã có bài phỏng vấn HLV Steve Darby, một người có thâm niên làm việc ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Ông khẳng định: "Ngoại trừ Thái Lan theo đuổi mô hình mỗi CLB có một học viện bóng đá từ lâu thì chỉ có Việt Nam có chiến lược đầu tư dài hạn với bóng đá trẻ, bắt đầu từ sự ra đời của Học viện HAGL JMG năm 2007. Học viện này hội tụ đủ các yếu tố của một lò đào tạo chuyên nghiệp và có định hướng phát triển rõ ràng nên thành quả gặt hái được sau 10 năm đã được chứng minh cụ thể bằng thành tích ở cấp độ châu lục".
Báo chí Hàn Quốc cũng dành nhiều sự quan tâm cho Olympic Việt Nam, với HLV người Hàn Park Hang-seo và cầu thủ Xuân Trường, từng sang Hàn Quốc chơi bóng
"Bây giờ thì cả Đông Nam Á bắt đầu học theo cách làm trẻ của HAGL, Hà Nội FC hay PVF, mà đi đầu là Malaysia, Myanmar và sắp tới có thể là Indonesia, Singapore, Lào... Vừa rồi, HLV Ong Kim Swee của Malaysia, người nhiều lần sang Việt Nam tham dự các giải U21, đã tham quan mô hình đào tạo của HAGL. Ông đã đề nghị LĐBĐ Malaysia phải khẩn trương đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ, bắt đầu từ lứa U12. Myanmar cũng đã triển khai một số học viện bóng đá liên kết với Đức...", HLV Steve Darby phân tích.
Ở giải U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam vào đến chung kết, trong khi Malaysia cũng góp mặt ở tứ kết. 8 tháng sau, thầy trò HLV Park Hang-seo đến tứ kết ASIAD, còn Malaysia và Indonesia cũng lọt đến vòng 1/8, trong đó Malaysia từng có chiến thắng ấn tượng 2-1 trước Hàn Quốc.
Bình luận (0)