Không kể đến Thế vận hội Bắc Kinh 2008 mà nước chủ nhà tung đến 639 vận động viên tranh tài với khí thế áp đảo, đây là lần đầu tiên thể thao Trung Quốc cử lực lượng đông nhất góp mặt tại một kỳ Olympic diễn ra ở nước ngoài, với 431 thành viên thi đấu ở 30/33 môn thi của đại hội. Chẳng ai nghi ngờ quyết tâm của cường quốc thể thao này khi đặt mục tiêu tái chiếm vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic sau 13 năm, bất chấp dự báo của "ông trùm" cung cấp số liệu thế giới Gracenote về tốp 3 chung cuộc tại Tokyo theo thứ tự Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản.
Tính đến 17 giờ ngày 4-8, Trung Quốc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo với 32 huy chương vàng (HCV), bỏ xa đoàn Mỹ xếp thứ nhì chỉ mới giành được 27 HCV. Đây là vị trí mà Trung Quốc nắm giữ trong nhiều ngày qua với hy vọng tạo được khoảng cách an toàn trước khi người Mỹ tăng tốc với nhiều môn thế mạnh diễn ra trong những ngày cuối đại hội.
Thành công nhất của đoàn Trung Quốc tính đến thời điểm này là môn cử tạ khi các lực sĩ Hoa lục giành được tổng cộng 7 HCV trong tổng số 14 nội dung thi đấu. Tỉ lệ này lẽ ra vượt qua cột mốc 50% nếu như Liao Qiu-yun không để vuột tấm HCV hạng 55 kg nữ vào tay nhà vô địch Asian Games 2018 Hidilyn Diaz (Philippines), hụt mục tiêu "càn quét" huy chương ở mọi hạng cân mà họ tham gia thi đấu.
Li Wen-wen, nhà vô địch cử tạ Olympic cô độc, không biết giao tiếp xã hội Ảnh: REUTERS
Thành công của cử tạ Trung Quốc chính là hình mẫu của phương thức đào tạo "gà nòi" mà nền thể thao của quốc gia đông dân nhất hành tinh theo đuổi từ nhiều năm qua. Trung Quốc tập trung đầu tư vào các bộ môn không được phương Tây chú trọng hoặc những môn được đánh giá là "mỏ huy chương". Tính ra, gần 75% số HCV Olympic mà Trung Quốc giành được kể từ năm 1984 chỉ khoanh gọn trong 6 môn thể thao, gồm bóng bàn, bắn súng, lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ, trong đó, hơn 2/3 số HCV này thuộc về phái nữ.
Câu chuyện nhà vô địch hạng 49 kg nữ Hou Zhi-hui tập luyện suốt 12 năm ròng rã, 6 ngày mỗi tuần với những cơn đau gần như triền miên để đánh đổi tấm HCV Thế vận hội không còn xa lạ gì với người hâm mộ. Hay ở hạng 87 kg nữ có mặt VĐV chuyển giới người New Zealand Laurel Hubbard, giới truyền thông lại chú ý đến Li Wen-wen, cô gái nặng 150 kg phá 3 kỷ lục Olympic với thành tích 320 kg, bỏ xa người về nhì tới 37 kg. Li Wen-wen tập tạ từ năm 12 tuổi sau khi phải làm đơn kiện để được tuyển chọn. Ròng rã 9 năm trời hy sinh cuộc sống riêng tư, không bạn bè, trang cá nhân trên Instagram không được phép đăng ảnh cuộc sống đời thường, cô trở thành nhà vô địch Olympic với hy vọng đổi đời.
Bóng bàn có 5 nội dung thì ngoài sự cố để vuột tấm HCV nội dung đôi nam nữ, Trung Quốc quyết không để rơi rớt thêm khi đã giành HCV đơn nam, đơn nữ và chuẩn bị thâu tóm nốt 2 ngôi vô địch đồng đội nam, nữ (đều đã giành quyền dự trận chung kết). Môn bắn súng, các xạ thủ Trung Quốc hoàn thành chỉ tiêu lọt vào tốp 3 ở 10/15 nội dung thi đấu, trong đó giành 4 ngôi vô địch. Hình ảnh chàng trai 21 tuổi Zhang Chang-hong trên bục chiến thắng nội dung 50 m súng trường ba tư thế khiến người hâm mộ cảm phục khi anh thiết lập cả kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới với tổng điểm 466. Chỉ 6 năm chuyên cần tập luyện, Zhang từ một vận động viên đi bộ thể thao trở thành xạ thủ hàng đầu, giúp bắn súng Trung Quốc giữ vị trí số 1 tại Olympic Tokyo 2020.
Bình luận (0)