Bắt đầu từ những năm 1984-1985 với tiêu chí đi đông về đủ ở các giải xe đạp xuyên Việt kỷ niệm những ngày lễ lớn như cuộc đua xe đạp Hòa Bình, Về thăm Trường Sơn, Chiến thắng Điện Biên Phủ… do quận 1 (TP HCM) tổ chức, năm 1989, Cúp Truyền hình TP HCM (HTV) chỉ vỏn vẹn 4 chặng đấu với 600 km, cùng những cái tên của những người tiên phong tổ chức như NSND Phạm Khắc, Nguyễn Trung Hiếu, Huỳnh Văn Nam...
Chính nhờ Cúp HTV, các đội xe đạp Việt Nam từ ao nhà đã được ra biển lớn, từ đó có những tiến bộ không ngừng, theo như HCB châu Á 2002 Mai Công Hiếu khẳng định. Nhớ lại những ngày đó, chiếc Áo vàng đầu tiên, cựu tay đua của Quân đội Lư Hồng Đức chỉ vào bàn đạp xe đạp hiện đại: "Lúc đó, tụi này còn chạy xe bằng sườn sắt, ai giàu lắm mới có chiếc sườn nhôm nhẹ ký. Khóa bàn đạp thì chế cái rọ da, thường được đặt ở xưởng anh Lâm Tân (cựu tay đua Cảng Sài Gòn) nên tính cơ động không cao, lại dễ ngã. Thời đó khó khăn mà lại không có cơ hội mua ở nước ngoài!". Từng đoạt 4 Áo vàng của Cúp HTV, cựu HCV châu Á Trương Quốc Thắng bộc bạch: "Ngày ấy, khi tiếp xúc với những tay đua Thái Lan qua dự, các VĐV chủ nhà cứ nhìn bàn đạp khóa tự động kêu lốc cốc mà thèm. Đến nỗi chúng tôi đặt hẳn tên cho các bàn đạp đó là bàn đạp lốc cốc".
Do vậy, theo cựu tay đua nổi tiếng người An Giang Trịnh Phát Đạt: "Phải nói rằng với 30 năm tổ chức, Cúp HTV chính là cú hích cho xe đạp thể thao Việt Nam cả về chuyên môn lẫn những câu chuyện bên lề để thúc đẩy thể thao đi lên. Đây cũng là môi trường đầu tiên cho các VĐV Việt Nam được thấy sự tiến bộ của xe đạp thế giới khi gặp gỡ, thi đấu cùng các tay đua nước ngoài như Hàn Quốc, Mông Cổ, Thái Lan..., những nước có nền xe đạp phát triển!".
Cúp HTV là môi trường khắc nghiệt giúp các tay đua trong nước trưởng thành, thi đấu ngang ngửa với đối thủ nước ngoài
Vì thế, khi nhìn những chiếc xe đạp hiện đại nặng chỉ hơn 6 kg (trọng lượng tối thiểu theo quy định của Liên đoàn Xe đạp thế giới khi thi đấu đường trường) được trang bị từ chiếc máy quay nhỏ đến đồng hồ đo nhịp tim, tốc độ, nhiều người lại chạnh lòng nhớ thời nón rế, bàn đạp rọ hay chuyện đổi bình nước xịn với các tay đua Hàn Quốc, mua lại vỏ xe của các tay đua Mông Cổ trên đường đua. Ngày ấy, mỗi khi thi đấu thì các tay đua khách mời cứ muốn về nhất là về nhất, chứ bây giờ chúng ta đã có HCV châu Á lẫn sự tự tin mỗi khi ra thi đấu ở các giải quốc tế với tốc độ trung bình trên 44 km/giờ.
Với những nhà tổ chức, chính sự tiến bộ không ngừng của bộ môn này kéo theo hàng loạt nhà tài trợ, giúp các VĐV xe đạp có thể có được số tiền thưởng lớn hơn so với những năm trước, kèm theo là sự đầu tư về chuyên môn và công nghệ từ nhiều phía để cuộc đua tổ chức tốt hơn. Nếu như ở những năm đầu tổ chức, việc truyền hình trực tiếp chỉ diễn ra ở chặng cuối cùng và cũng chỉ ở mức đến là Hội trường Thống Nhất thì giải năm nay, người hâm mộ có thể tương tác trực tiếp cùng các tay đua qua từng chặng với công nghệ livestream, công nghệ truyền dẫn trực tiếp… cùng nhiều pha ảnh đẹp liên tục được cập nhật, trong đó có những bức không ảnh bằng fly-cam do các phóng viên đeo bám đường đua thực hiện. Điều này cũng thúc đẩy sự minh bạch trên đường đua, khi bất kỳ những sai sót nào từ phía các đội đua hay ban tổ chức đều "được" dư luận "soi".
Theo tay đua Trịnh Phát Đạt, ngoài sự đầu tư về công nghệ và kỹ thuật thi đấu, các đội xe đạp Việt Nam cần cập nhật kiến thức về dinh dưỡng thể thao cho VĐV. Ở các giải đua dài ngày, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng và có bác sĩ chuyên về y khoa thể thao theo đội sẽ giúp các tay đua không bị kiệt sức hay gặp các vấn đề về tim mạch, đặc biệt là thận, nhờ đó kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp.
Thành Tâm có đủ bộ sưu tập
Với việc đoạt Áo vàng chung cuộc giải năm nay cùng tiền thưởng kỷ lục 300 triệu đồng, tay đua Nguyễn Thành Tâm (An Giang) giành trọn bộ sưu tập các danh hiệu tại Cúp HTV khi trước đó đã đoạt Áo trắng (tay đua trẻ xuất sắc nhất năm 2012), Áo đỏ (2013), Áo xanh và đồng đội (2016).
Các danh hiệu Áo xanh, Áo trắng, Áo đỏ lần lượt thuộc về Lê Nguyệt Minh (TP HCM), Ngô Văn Phương (An Giang) và Loic Desriac (Đồng Nai). Ngôi vô địch đồng đội về tay VUS TP HCM.
Bình luận (0)