Clip: Nguyên tắc vận hành công nghệ VAR
VAR hoạt động trên sân cỏ nước Anh
Được Hội đồng FIFA thông qua hồi tháng 3 và được áp dụng chính thức tại World Cup vào tháng 6-2018, công nghệ trọng tài hình ảnh (VAR) dần trở nên quen thuộc với người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Sau công nghệ vạch cầu môn điện tử (goal-line), việc VAR xuất hiện và được sử dụng ngày càng nhiều phản ánh khát khao của con người muốn tìm kiếm sự công bằng trong bóng đá với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật.
Công nghệ Goal-line xuất hiện từ năm 2014
Ra đời từ dự án Refereeing 2.0 vào đầu những năm 2010 tại Hà Lan, sau nhiều lần chỉnh sửa và được sự phê chuẩn của Hội đồng Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), VAR được thử nghiệm tại World Cup các CLB năm 2016, World Cup U20 năm 2017, Cúp Liên đoàn các châu lục FIFA 2017 cũng như đã được áp dụng tại A-League (Úc), Serie A (Ý), La Liga (Tây Ban Nha) và MLS (Giải nhà nghề Mỹ).
Người Anh sử dụng VAR theo cách của mình
Luôn tự hào là quê hương của bóng đá, Anh không muốn mang tiếng lạc hậu trong mọi vấn đề liên quan đến… bóng đá, nhất là khi họ muốn thông qua công nghệ hiện đại để rửa tiếng oan về "bàn thắng ma" mà Geoff Hurst ghi trong trận chung kết World Cup 1966 giữa chủ nhà tuyển Anh và đại kình địch tuyển Đức. Sau công nghệ goal-line, mới nhất, người Anh quyết định sử dụng VAR tại sân cỏ Ngoại hạng từ mùa giải 2019-2020, dẫu muộn nhưng còn hơn không!
Tất nhiên, cách làng cầu Anh dùng VAR cũng… khác người. Thông thường, khi có tình huống tranh cãi, trọng tài chính sẽ dùng hai tay vẽ một hình chữ nhật vào khoảng không rồi nhấn vào một nút ở tai nghe. Phòng điều khiển VAR tại sân với các nhóm kỹ thuật viên bao gồm nhiều người đã và đang làm công tác trọng tài, sẽ phân tích tình huống với sự trợ giúp của các camera ghi nhận từ nhiều góc quay khác nhau rồi thông báo kết quả cho trọng tài chính qua tai nghe. Trong trường hợp không tin tưởng lắm với kết quả này, trọng tài chính có thể tự kiểm tra tình huống qua một màn hình đặt bên ngoài đường piste.
Trọng tài Anh không xem lại diễn biến qua màn hình ngoài sân
Người Anh cắt hẳn công đoạn cuối khi trọng tài chính chỉ nghe thông báo từ tổ VAR và ra quyết định ngay. Tuy vậy, sau hơn 3 tháng hoạt động, VAR cho thấy những vấn đề tồn tại không hề nhỏ. Sau 12 vòng đấu đầu tiên, đã có tới 29 quyết định bị thay đổi bởi sự can thiệp của VAR. Nhiều đội bóng khiếu nại về những quyết định từ VAR, thậm chí, một số CLB còn yêu cầu phải loại bỏ VAR ra khỏi giải đấu.
Trước tình hình này, Ban tổ chức Premier League và Hiệp hội Trọng tài chuyên nghiệp (PGMOL) quyết định phải thay đổi phải cải thiện tính nhất quán, rút ngắn thời gian đưa ra quyết định và giúp người hâm mộ hiểu cụ thể hơn về các quyết định của VAR. Từ tháng 12-2019, khán giả sẽ được thông tin chi tiết hơn về các tình huống mà VAR can thiệp. Đơn cử, thay vì chỉ hiển thị trên màn hình lớn dòng chữ "Checking Penalty" (Kiểm tra phạt đền), thông báo mới sẽ nêu rõ ràng "Checking Penalty- Handball" (Kiểm tra phạt đền - bóng chạm tay). Những hiển thị chi tiết cũng xuất hiện ở những tình huống khác mà VAR tham gia phân xử như thẻ đỏ, có bàn thắng hay không có bàn thắng…
Thông tin cụ thể về quyết định của VAR tại Premier League
Chắc chắn vẫn còn nhiều điều để nói về VAR tại sân cỏ nước Anh, như mới đây HLV Jose Mourinho phàn nàn trận đấu bị tạm dừng quá lâu để chờ quyết định của VAR, hay cách VAR phủ quyết quyết định của trọng tài Anthony Taylor, ban đầu xử phạt Marcos Alonso của Chelsea nhưng sau đó đã phải thay đổi, cho Chelsea hưởng quả phạt đền do Alonso bị thủ môn Gazzaniga phạm lỗi!
Alonso bị coi là phạm lỗi trước khi Chelsea được hưởng phạt đền
Việc Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tuyên bố sử dụng công nghệ VAR tại tất cả các trận đấu của VCK Giải U23 châu Á 2020 diễn ra ở Thái Lan vào đầu tháng 1/2020 không được người hâm mộ đón nhận một cách hồ hởi như mong đợi. Theo AFC, đây là cột mốc mang tính lịch sử tại một giải đấu chính thức của châu lục nhưng kết quả ra sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi mà vẫn còn đó những nhận định trái chiều về VAR khi công nghệ này được sử dụng kể từ vòng tứ kết Asian Cup hồi đầu năm 2019.
Chủ tịch AFC Salman bin Ebrahim Al Khalifa ủng hộ sử dụng VAR
Người hâm mộ, nhất là các CĐV Việt Nam, chắc chắn không quên trận tứ kết giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trọng tài Mohammed Abdullah đã chấp nhận pha ghi bàn của Maya Yoshida ở phút 24 nhưng khi trận đấu đã sẵn sàng trở lại từ vạch vôi giữa sân, tổ VAR lại xác định được Yoshida đã chơi bóng bằng tay và hủy bỏ bàn thắng của Nhật Bản.
Trọng tài Abdullah cho Nhật Bản hưởng phạt đền sau khi xem VAR
Khi hiệp hai của trận đấu này trở lại được chừng 10 phút, VAR một lần nữa làm gián đoạn trận đấu sau tình huống hậu vệ Tiến Dũng ngăn cản nỗ lực đi bóng của Ritsu Doan trong vòng cấm địa tuyển Việt Nam. Pha quay chậm cho thấy Tiến Dũng đã đá vào bóng trước khi vô tình ngáng chân Ritsu Doan. Quyết định không thổi phạt đền của trọng tài trước đó đã bị thay đổi bởi VAR.
Pha bóng dẫn đến quả phạt đền gây tranh cãi
Vấn đề được báo chí khu vực đề cập nhiều chính là trọng tài Abdullah nên yêu cầu được xem lại video ngay lập tức chứ không phải đợi nhiều phút, vài tình huống bóng trôi qua mới quyết định nhờ VAR tư vấn. Như nhà báo thể thao Tomas Danicek (CH Czech) bình luận, VAR giúp trọng tài xem xét lại tình huống và đánh giá thật chắc chắn trước khi ra quyết định chứ không phải VAR được dùng để sửa chữa sai lầm của trọng tài.
VAR được sử dụng tại VCK giải U23 châu Á 2020
Trở lại vấn đề của VCK U23 châu Á… 15/16 đội bóng – trừ chủ nhà Nhật Bản – sẽ tranh chấp quyết liệt 3 suất vé tham dự môn bóng đá tại Olympic Tokyo 2020. Ý nghĩa quá quan trọng của giải đấu chính là lý do để AFC đồng ý sử dụng VAR toàn bộ vòng chung kết với 32 trận. Chính chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalif cũng cho rằng, bóng đá châu Á đang vươn tới đẳng cấp thế giới và việc AFC đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới nhất, có tính khả dụng nhất trong mọi lĩnh vực để phát triển bóng đá châu Á không hề là điều gì bất ngờ. Đội ngũ trọng tài được chỉ định làm nhiệm vụ ở VCK U23 châu Á đều được huấn luyện kỹ về VAR theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, đáp ứng yêu cầu của IFAB. Từ tháng 3-2017 đến nay, AFC đã tổ chức tổng cộng 6 khóa học và hội thảo chuyên đề về VAR.
Bình luận (0)