Sau năm 1975, NSND Lý Huỳnh là nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên tham gia điện ảnh cách mạng qua 52 bộ phim với hàng loạt vai diễn ấn tượng như ông Hai Cũ (phim Ông Hai Cũ), chuẩn tướng Bách (Đứa con bị từ chối), Long râu (Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (Ngọn lửa Krông Jung).
Lý Huỳnh (phải) thời thi đấu võ đài
Bốn vai diễn khác là đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh ba búa (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Sâm (Hòn đất) giúp NSND Lý Huỳnh đoạt giải Bông sen bạc tại các Liên hoan phim toàn quốc; đặc biệt với vai lão nông Hai Lúa (phim Vùng gió xoáy), ông đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất với giải thưởng cao quý Bông sen vàng.
Vẫn giọng nói khề khà nhưng có phần nhỏ nhẹ hơn vì tuổi tác, NSND Lý Huỳnh kể lại: "Đó là vào những năm 1970, tôi lúc đó tròn 28 tuổi, độ tuổi đang sung sức, lại là một võ sĩ chuyên nghiệp, đi thi đấu nhiều nơi, thượng đài nhiều lần.
Nhân dịp đóng phim do võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt làm đạo diễn kiêm chỉ đạo võ thuật – người đóng vai đối đầu với Lý Tiểu Long trong phim Đường Sơn Đại Huynh. Ông yêu cầu tôi biểu diễn thế đá Liên hoàn bát cước, trong phim đá một cước hạ đo ván 8 người. Tôi thực hiện được lời ông Kiệt thì ông Kiệt mới đến bắt tay tôi, vỗ vai và khen: "Lý Huỳnh đá rất đẹp, rất hay", lại biết tôi đã từng thượng đài nhiều lần nên ông ta hỏi có dám đấu với Lý Tiểu Long không?
Lúc đó tôi nghĩ mình là một võ sĩ chuyên nghiệp, lên võ đài nhiều lần, từng bách chiến bách thắng, cộng với tự ái dân tộc nổi lên, tôi trả lời không chút do dự, sẵn sàng thách đấu với Lý Tiểu Long. Thời gian này có báo chí Sài Gòn nghe thông tin nói trên nên cũng đã đăng tải, cả Hồng Kông cũng đăng tin đó, nhưng bất ngờ Lý Tiểu Long đột ngột qua đời năm 1973, lời thách đấu không thực hiện được, tất cả với tôi bây giờ thành kỷ niệm".
Võ sư - NSND Lý Huỳnh cùng gia đình hiện tại (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cho biết khả năng chiến thắng, NSND Lý Huỳnh vẫn thận trọng: "Mỗi người có điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Theo tôi, điểm yếu của Lý Tiểu Long là có gương mặt hẹp, quai hàm yếu. Đây là điều tối kỵ khi gặp các tay đấm bốc, vì chỉ với một cú móc có thể bị gãy quai hàm và dễ knock - out".
Lý Tiểu Long
Ông nói thêm: "Tôi là một con nhà võ đã qua thử lửa đến độ không còn biết sợ trước bất cứ đối thủ nào. Khi còn trẻ tôi có thể đấu liên tục 15 hiệp, mỗi ngày đều tập dợt bao cát, chạy bộ và tập đối luyện. Nếu Lý Tiểu Long có bước chân nhún nhảy theo đấu pháp quyền Anh, bộ tay Vịnh Xuân và đòn cước karate thì ngược lại, tôi có đòn tay quyền Anh, đòn đá taekwondo, chỏ gối của võ tự do và bộ pháp di chuyển theo Thiếu Lâm nam phái".
Võ sư - NSND Lý Huỳnh sinh năm 1942 với tên thật là Lý Kim Tuyền tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình người Hoa giỏi võ. Ngoài việc học võ với cha, ông còn học võ Thiếu Lâm, võ Việt Nam và Quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền. Các võ sĩ lò Huỳnh Tiền đều được sư phụ ghép chữ "Huỳnh" vào tên riêng như Vũ Huỳnh, Hiệp Huỳnh, Rémy Huỳnh... nên Lý Kim Tuyền cũng được thầy đặt cho biệt danh Lý Huỳnh.
Năm 17 tuổi, Lý Huỳnh chính thức bước lên võ đài (1958), từng đấu với nhiều võ sĩ vô địch hạng lông, trong đó có trận đấm nốc-ao (knock-out) đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp nặng hơn 10 kg (lúc đó ông Lý Huỳnh 60 kg, đối phương 70 kg). Ông lần lượt đánh bại các đối thủ sừng sỏ như Mạch Trung Phương (1964) từng vô địch miền Trung, thắng Anh Thạch cựu vô địch miền Bắc (vô Nam 1954), thủ hòa với võ sĩ Văn Đại đương kim vô địch quyền Anh miền Nam (1960)...
Võ sư Lý Huỳnh từng đại diện cho Sài Gòn đi Campuchia thi đấu với võ sĩ vô địch Campuchia, trận này tôi chỉ thua về kỹ thuật, một phần do trọng tài xử ép. Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến...
Bình luận (0)