Những trải nghiệm của lứa đàn em dưới thời tân HLV trưởng Philippe Troussier tại đấu trường SEA Games 32 sẽ là bài học kinh nghiệm giúp các tuyển thủ Việt Nam giảm áp lực, bớt bỡ ngỡ trong lần hội quân thứ 2 trong tháng 6-2023, nhằm chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á.
Trình độ và đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam vượt trội so với lứa U22 quốc gia. Nhưng với việc đổi mới tư duy đấu pháp chiến thuật của HLV Troussier sẽ là thử thách không nhỏ cho các tuyển thủ Việt Nam hiện nay. Chiến lược gia người Pháp mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển theo hướng đi của Nhật Bản, cường quốc bóng đá châu Á mà ông đã thành công trong việc xây dựng đấu pháp thiên về tấn công hoa mỹ, đầy nội lực.
Tuyển Việt Nam sẽ có trận ra mắt đầu tiên dưới thời HLV Troussier vào ngày 15-6 tới.(Ảnh: VFF)
Tuyển Việt Nam đã có lần hội quân đầu tiên dưới thời HLV Troussier hồi tháng 3-2023. Tuy nhiên, trong 4 ngày tập luyện với thầy mới, các tuyển thủ quốc gia chưa thể làm quen hay mường tượng được triết lý bóng đá "chủ động kiểm soát bóng, tấn công" mà HLV Troussier muốn truyền tải, áp dụng cho bóng đá Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam nhuần nhuyễn triển khai đấu pháp phòng ngự phản công và đạt hiệu quả cao ở đấu trường quốc tế bằng thành tích lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Vì vậy, HLV Troussier và các cộng sự cần thêm nhiều thời gian để giúp các tuyển thủ thay đổi tư duy và xây dựng một đội tuyển Việt Nam vận dụng thành thạo sơ đồ chiến thuật 3-4-3 thiên về tấn công.
Dù không bảo vệ được chức vô địch tại SEA Games 32, song qua từng trận tuyển U22 Việt Nam cũng phần nào thể hiện được yêu cầu đấu pháp chiến thuật mới của HLV Troussier. Nói về triết lý bóng đá "chủ động kiểm soát bóng, tấn công" nhiều chuyên gia cho rằng triết lý bóng đá này của ông Troussier không phù hợp với các cầu thủ Việt Nam do không có được nền tảng thể lực bền bỉ, thể trạng cao lớn. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi tư duy để thoát khỏi Đông Nam Á, vươn tầm châu lục, sớm hiện thực hóa tham vọng dự đấu trường World Cup. "Ông Troussier giàu kinh nghiệm huấn luyện và đã gặt hái thành công khi dẫn dắt tuyển Nhật Bản. Ông ấy cần thêm thời gian để thể hiện năng lực, làm quen với bóng đá Việt Nam và tìm ra hướng phát triển hợp lý" - chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.
Khác với lứa đàn em, các tuyển thủ Việt Nam được thường xuyên va chạm, thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp đỉnh cao trong màu áo câu lạc bộ. Hơn nữa, V-League quy tụ nhiều chiến lược gia nổi tiếng với triết lý bóng đá hiện đại nên hầu hết các tuyển thủ quốc gia đều biết cách tiếp cận hợp lý, bắt nhịp nhanh lối chơi do ban huấn luyện đề ra. Vì vậy, ở đợt tập trung đầu tiên dưới thời HLV Troussier, các vị trí chủ chốt trong tuyển Việt Nam cũng đã hình dung vai trò, nhiệm vụ cần phải làm khi được đặt vào sơ đồ 3-4-3.
Thừa hưởng dàn hậu vệ được đánh giá có trình độ, chất lượng chuyên môn cao ở khu vực Đông Nam Á, HLV Troussier sẽ không quá khó để xây dựng hàng phòng ngự 3 trung vệ của tuyển Việt Nam. Ngoài các trụ cột đã thành danh từ thời ông Park, HLV người Pháp cũng có nhiều lựa chọn nhân sự ở vị trí này khi sở hữu nhiều tuyển thủ trẻ tài năng, có thể trạng tốt như Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung, Hồ Tấn Tài hay Nguyễn Thanh Bình.
Tương tự, ở tuyến tiền vệ, HLV Troussier ưu ái các cầu thủ có thể chơi đa năng, giàu thể lực, đậm kỹ thuật để thực hiện tốt vai trò kiểm soát bóng, pressing tầm cao hoặc phát động tấn công. Ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Hoàng Đức là sự lựa chọn hàng đầu trong vai trò tiền vệ công của tuyển Việt Nam. Sau tiền vệ Viettel còn có Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức hay Châu Ngọc Quang…
Bài toán khó của HLV Troussier là vị trí trung phong cắm và khâu dứt điểm trên hàng công tuyển Việt Nam. Những trụ cột quen mặt trên tuyển như Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Phạm Tuấn Hải hay Hà Đức Chinh đang thể hiện phong độ kém thuyết phục trong màu áo câu lạc bộ trong thời gian qua.
Trải qua 8 vòng đấu tại V-League 2023, Văn Quyết với 6 bàn thắng là chân sút nội xuất hiện trong tốp 10 "Vua phá lưới" nhưng đội trưởng CLB Hà Nội đang thụ án "treo giò" 8 trận vì phản ứng với trợ lý trọng tài. Trong khi đó, Tiến Linh là tiền đạo nội hiếm hoi có suất đá chính trong xu thế ưa chuộng tiền đạo ngoại của các đội bóng V-League. Nhưng màn trình diễn nhạt nhòa của tuyển thủ 25 tuổi này được thể hiện qua 8 vòng đấu "tịt ngòi".
Sau diện mạo kém thuyết phục của U22 Việt Nam tại SEA Games 32, có thể nói người hâm mộ Việt Nam đang nóng lòng chờ đợi những cái tên cầu thủ chính thức sắp tới sau khi ông Troussier công bố danh sách. Quan trọng hơn cả là chờ xem màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam ra sao khi chạm trán một đối thủ vừa sức là tuyển Hồng Kông (Trung Quốc).
Bình luận (0)