Sau khi đăng tải loạt bài viết sau thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, gồm: HLV Hữu Thắng: Tôi xin từ chức ngay lập tức (http://nld.com.vn/the-thao/hlv-huu-thang-toi-xin-tu-chuc-ngay-lap-tuc-20170824173459221.htm), Bầu Đức rút lui khỏi VFF: Tôi nói là làm! (http://nld.com.vn/the-thao/bau-duc-rut-lui-khoi-vff-toi-noi-la-lam-20170825130434774.htm), U22 thất bại, ai mới đáng từ chức (http://nld.com.vn/the-thao/u22-that-bai-ai-moi-dang-tu-chuc-20170826132423113.htm), báo Người Lao Động đã nhận được rất nhiều thư, cuộc gọi lẫn bình luận trực tiếp của bạn đọc gần xa.
Bao nhiêu thất vọng, giận hờn, trách móc… đã được trút hết từ tâm can những người hâm mộ hiểu biết và đầy nhiệt huyết để giờ đây, mọi thứ đã lắng đọng, mọi người cũng đã bình tĩnh để cùng nhìn lại nguyên nhân khiến bóng đá nam Việt Nam nhận một kết cục cay đắng tại SEA Games 29.
Bóng đá Việt Nam mãi khắc khoải với giấc mơ của mình
Sau khi bất ngờ giành quyền lọt vào đến trận chung kết SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam bắt đầu mơ đến ngày tái chinh phục đấu trường khu vực như đã từng làm được thuở đại hội còn mang tên SEAP Games hồi thập niên 60.
Thế nhưng, niềm hy vọng dần biến thành sự chờ đợi trong mỏi mòn qua mỗi cuộc tranh tài. Sau lần đội tuyển quốc gia đăng quang tại AFF Cup 2008, người hâm mộ bóng đá Việt Nam toàn phải xem những trận đấu buồn: 3/5 kỳ SEA Games bị loại từ vòng bảng, 3/4 kỳ AFF Cup toàn thua ở bán kết, 5 đời HLV từ Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng đến rồi đi và danh hiệu SEA Games hay AFF Cup vẫn cứ ngoảnh mặt.
Danh hiệu vô địch SEA Games tiếp tục ngoảnh mặt
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại đã mang tính hệ thống của bóng đá nam Việt Nam nếu không phải từ cấu trúc thượng tầng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF)? Bạn đọc Minh Thành (Q.Bình Tân) nổ phát pháo đầu tiên với lời khẳng định đanh thép sau loạt bài của báo Người Lao Động: "VFF là tổ chức được lập ra để quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá ở Việt Nam. Một tổ chức lập ra mà không làm tốt vai trò của mình thì cách tốt nhất là thay đổi".
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và chủ tịch Lê Hùng Dũng tại một hội nghị
Nỗi xót xa cứ mãi dằn vặt tâm tư bao người hâm mộ mà bạn đọc Hoàng Vương đã nói thay tất cả: "Vậy là xong! Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu kỳ vọng, cả một thế hệ cầu thủ tài năng nhưng đọng lại là 1 thất bại tan tác tại AFF Cup và giờ là trận thua tủi nhục trước U22 Thái Lan. Những người làm bóng đá Việt Nam nói gì, làm gì để người hâm mộ nguôi ngoai và có thể tiếp tục hy vọng đây?".
HLV Nguyễn Hữu Thắng ưu tư sau thất bại của bóng đá nam Việt Nam
Việc HLV Nguyễn Hữu Thắng nhận hết trách nhiệm về chuyến thi đấu thất bại của U22 Việt Nam tại Malaysia là điều đã được dự báo. Bạn đọc Võ Văn Vương quyết liệt với quan điểm của mình: "Có lẽ chẳng ai còn quan tâm đến việc HLV Hữu Thắng từ chức nữa. Từ chức hay không thì sự nghiệp HLV bóng đá của ông này xem như đã hết. Chỉ còn nỗi đau thua đội Thái là mãi mãi hành hạ con tim người hâm mộ. Bóng đá Việt ơi, vì đâu nên nỗi?"
Người phụ trách tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức cũng tuyên bố từ chức nhưng đáng ngạc nhiên thay, hai đội bóng nam nữ đã về đến Việt Nam nhưng chưa thấy bất cứ lãnh đạo chủ chốt nào của VFF lên tiếng về thất bại của U22 Việt Nam. Lạ, bởi với tư cách phụ trách phó chủ tịch phụ trách chuyên môn nhưng thất bại của U22 Việt Nam lại không thấy (hoặc chưa thấy) ông Trần Quốc Tuấn đứng ra nhận trách nhiệm!
Ông Phó chủ tịch hồ hởi với đội nữ dù đội nam thua vỡ mặt trước đó vài giờ
Đội bóng thua tan nát, ông vẫn dửng dưng, thậm chí còn vui mừng hết cỡ chỉ vài giờ sau đó khi đội tuyển bóng đá nữ đăng quang ngôi vô địch. Bạn đọc Dương Thu Hằng "còm" thẳng thắn: "Màu cờ sắc áo, bao nhiêu tiền của đầu tư cho bóng đá nam nhưng đi thi thố thì toàn thất bại. Các vị lãnh đạo VFF chẳng biết sĩ diện là gì, chờ họ tự nghỉ chắc không có đâu!". Còn bạn Hương Chanh chua xót: "Người chịu trách nhiệm chính về thất bại của U22 VN tại SEA Games 29 và những giải đấu quốc tế trong hơn 20 năm qua là ai nếu không phải VFF và cơ quan quản lý của nó, Tổng cục Thể dục thể thao! Hãy cải tổ mạnh mẽ cơ quan quản lý bóng đá cũng như ngành thể thao nước nhà, hãy để người có tài, có tâm và có tầm làm việc! Những kẻ bất tài, nên tự trọng mà ra đi".
Lãnh đạo ngành TDTT thiếu sâu sát trong việc quản lý bóng đá
Dung túng cho những việc làm thiếu trách nhiệm của phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn chắc chắn phải là lãnh đạo ngành TDTT khi biệt phái ông Tuấn sang VFF, để nhân vật này quản lý tổ chức xã hội của bóng đá với vô số chức vụ chồng chéo, kể cả tham gia luôn LĐBĐ châu Á! Bạn đọc Kjinglo viết đầy cảm thán: "Tôi cho rằng ban lãnh đạo VFF đáng bị sa thải khi để U22 thất bại. Họ đã làm gì, ở đâu mà để đội bóng bạc nhược, rệu rã, mất hết ý chí chiến đấu trước một U22 Thái Lan chỉ được tập trung một tuần cho SEA Games".
Hàng trăm lá thư, hàng nghìn ý kiến bình luận trên báo điện tử, những cuộc gọi đầy ắp tâm tư của người hâm mộ gần xa, báo Người Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh về thành-bại của bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)