Cuối cùng thì tuyến bay thẳng TPHCM - Côn Minh của hãng hàng không Phương Đông (Trung Quốc) sau một thời gian khai trương phải đình hoãn vì bệnh SARS cũng đã được thực hiện vào giữa tháng 12-2003. Cùng với việc mở đường bay là dịch vụ cộng thêm của hãng: Tuyến du lịch Vân Nam do Công ty Du lịch Cần Thơ đăng cai. Chúng tôi, ba người Việt, mười lăm người Hoa có mặt trên chuyến bay háo hức này.
Hoa và hoa.- Ở Vân Nam xưa có thập bát quái (mười tám cái lạ) gắn với đặc điểm của vùng đất trù phú, phản ánh phong tục tập quán địa phương. Tỉ như: Ba con muỗi được một bát canh; ba con chuột đựng đầy một bao bố; đàn bà địu con vẫn nói chuyện yêu đương (giống như kiểu sống thử. Yêu nhau xong ai về nhà nấy, đến khi khẳng định khả năng di truyền nòi giống mới đi tìm lại bố đứa trẻ)... Bây giờ, tân thập bát quái (mười tám cái lạ mới) đáng nói hơn nhiều.
Đầu tiên là hoa. Khắp nơi, chỗ nào cũng có hoa. Nói Côn Minh - nơi nổi danh là TP mùa Xuân quả không ngoa. Ngay trong cái tiết trời căm căm, rét 10 độ, hoa vẫn nở. Hoa chưng trong nhà, hoa trồng ở các dải phân cách trên đường chạy vào trung tâm TP, rồi sau đó hoa theo chân người trên từng cây số khắp đất Vân Nam. Dường như thế vẫn chưa đủ, người Côn Minh vẽ cả hoa trên tường, dùng hoa giả kết xung quanh lan can các chung cư. Hoa thật, hoa giả gợi sự tò mò của du khách, khiến họ không thể không vi phạm cái nguyên tắc “miễn sờ vào hiện vật” để kiểm nghiệm thực hư.
Không riêng gì tôi, những người Hoa vốn đã từng đến Vân Nam cũng trầm trồ xuýt xoa về hoa ở Côn Minh. Sợ tôi không đồng cảm, ông bạn người Hoa thật thà, nhắc đi nhắc lại lời giải thích: “Anh chỉ cần nhớ như thế này thôi, Vân Nam như Là Lạt (Đà Lạt) của Việt Nam, nhưng lớn hơn Là Lạt gấp bội”. Quả có vậy. Vân Nam giống Đà Lạt ở cả cái thói quen: Nếu có thứ bạn muốn mang về thì đầu tiên phải là hoa. Hoa thân thảo, mềm mại, duyên dáng, e ấp mọc ở vùng đất thấp; hoa thân mộc, sung mãn, rực rỡ mọc ở các vùng núi, phảng phất một mùi hương thoang thoảng đãi khách. Cùng với hoa thơm cỏ lạ, Vân Nam là đất nổi tiếng của nghề tằm tang, của nấm, của thuốc đông y, tam thất, thiên ma và đặc biệt là đông trùng hạ thảo. Chẳng biết cái công hiệu tăng sinh lực cho đàn ông trong chuyện chăn gối huyền diệu tới mức nào, mà cái thứ thuốc quỷ thuật mùa đông biến thành con sâu, mùa hè trở thành cỏ này có giá tới hơn 15.000 USD một cân (bằng 500 g). Đã có vị khách trong đoàn là chủ doanh nghiệp người Hoa ở quận 5 - TPHCM thử mua một đồng cân, chỉ lèo tèo dăm sáu con nhỉnh hơn que tăm mà giá tới 2.500 tệ (5 triệu đồng VN). Tần ngần ngắm nghía hồi lâu, ông đành trả lại nhà thuốc. Nghe nói, dạo trước mấy con sâu khô này đâu đến nỗi đắt đến như vậy. Chẳng qua là một đồn mười, mười đồn trăm, rồi cứ thế mà đội giá đến vô cùng. Lại nghe nói cái biệt dược đông trùng hạ thảo này đang được nhập ngược từ Việt Nam sang. Lúc trước, cái con quỷ sâu đó giá rẻ, khách du lịch ở ta mua về để dùng và tặng bạn bè, ngõ hầu khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Nay thấy công hiệu của nó cũng không hơn gì tắc kè, hải mã mà giá ở quê hương đông trùng hạ thảo thì đang trên trời, nên lại mang sang bán kiếm lời.
Pú tủng, pú tủng.- Đến Vân Nam có thể thấy sự mạnh dạn đầu tư cho du lịch. Cái sức mạnh biển người trong cuộc trường chinh năm xưa như tái hiện ở hầu hết di tích, danh thắng. Những công trình đào núi, lấp sông, tôn tạo cảnh quan quả là công sức của Nữ Oa vá trời. Song về kỹ năng du lịch, Vân Nam lại như một người khổng lồ nhưng vụng dại, ngô nghê. TP Côn Minh rộng rãi, thoáng đãng (vài chục năm nữa vẫn không chật chội). Khách sạn toàn cỡ ba, bốn sao, hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh. TP tuyệt nhiên không có dây điện, trẻ con, người lớn thả diều thoải mái... Nhưng kẹt một nỗi, hầu hết người Trung Quốc chỉ dùng... tiếng Trung Quốc. Chính vì vậy mà ở khách sạn, vào siêu thị, lên taxi, đến trạm điện thoại quốc tế, thậm chí là tại sân bay, khách pú tủng (không hiểu) và chủ nhà cũng... pú tủng, pú tủng, đành phải sử dụng động từ “quơ” và... vẽ. May mà tôi vẽ cũng khá khá, nên chưa một lần nào bị cái cảnh giống như trong chuyện tiếu lâm: yêu cầu món nấm xào, được cái dù che mưa... Có vẻ như Vân Nam chưa hề chuẩn bị cho việc đón khách du lịch nước ngoài. Bảy ngày rong ruổi ở các TP Côn Minh, Lệ Giang, Đại Lý, quanh đi quẩn lại tôi chỉ gặp chừng ba, bốn ông Tây cũng ngơ ngác vì không xài được tiếng Anh.
Ít khách nước ngoài, nhưng bù lại, người Trung Quốc có thói quen du lịch. Chuyện kể rằng, dạo khốn khó cách nay ngót hai chục năm, một nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy dân của mình nghèo mà ham đi chơi, đã vận động hạn chế du lịch, coi đây như một chính sách tiết kiệm, để “tập trung” xây dựng đất nước. Nhưng thói quen đâu dễ sửa, chưa kể nó lại được chiều chuộng, khuyến khích. Người Trung Quốc có cái tài là giá sản phẩm rẻ tới cỡ nào, họ cũng làm được. Chả thế mà tuyến du lịch bốn ngày, ba đêm Côn Minh - Lào Cai - Sa Pa dài hơn 400 km gồm ăn, ở, đi lại tham quan chỉ có 500 tệ (1.000.000 đồng Việt Nam).
Bảo tồn vốn cổ.- Những người sành du lịch kết luận quả không sai: Đi Thái Lan mua đồ, đi Trung Quốc ngắm cảnh và... ăn. Cũng như những vùng khác ở đất nước Trung Quốc, đến Vân Nam là đến với nếp ẩm thực phong phú. Không phải ba ngày tiệc lớn, năm ngày tiệc nhỏ mà là mỗi ngày một tiệc lớn: tiệc nấm, tửu lâm dược, tiệc đầu cá hấp, thạch lâm yến, vịt quay Côn Minh... Tất cả đếu toát lên sự trù phú, đặc trưng của một vùng cộng đồng dân tộc đa dạng, phong phú. Ăn uống ở Trung Quốc là ăn thật. Cỡ như mấy ông Tây to cao cũng phải tò mò, kín đáo thầm thán phục về tô mì xào cực lớn, kèm hai chiếc bánh bao trong bữa sáng tự chọn của người Trung Quốc. Tính thật thà trong ăn uống của người Trung Quốc cũng có trong cả giao tiếp buôn bán. Người Mạn Tây da đen, mặt đỏ; người Bạch da trắng, thanh thoát, mũi thẳng; người Di đỏm dáng, nhí nhảnh, xởi lởi... tất cả hoặc từ tốn mời chào du khách mua những bộ da thú may vụng về, không tranh bán, chèo kéo; hoặc vô tư nhảy múa, mời khách những chén rượu nếp thơm lừng...
Cảm nhận: Đến chơi Vân Nam, nếu là có tâm huyết với ngành du lịch nước nhà, bạn sẽ thấy phảng phất cảm giác tiếc nuối. Loại trừ những đầu tư cơ bắp trong du lịch của Trung Quốc mà ta không thể bì thì kỹ năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém (có thể còn hơn). |
Cái sự phân minh như thế cũng lại có cả trong kiến trúc. Ở Vân Nam, chỉ có các TP là... bê-tông-ra-bê-tông. Còn lại thì dường như tất cả đều được bảo tồn, giữ nguyên nét kiến trúc dân tộc. Bởi thế, có thể dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà cổ, tường đất có che, nhà ốp nóc, lợp ngói âm dương. Cái đặc trưng dân tộc được lưu giữ, khiến người Trung Quốc có điều kiện dễ dàng tái hiện khoảng không gian, thời gian quá khứ xa xôi. Ở Đại Lý - một TP cách Côn Minh gần 400 km về phía Đông - vừa làm xong một phim trường rộng trên 50 ha để quay những tập phim chưởng. Cảnh vật nơi đây được bài trí như thật. Có nhà cổ, quán rượu thịt trâu cho những võ hiệp bàn thảo, nhậu nhẹt; có nơi buộc ngựa, có gốc cây cổ thụ bị gãy sau những cú chưởng phong ào ào. Tại đây vừa khởi quay bộ phim Thiên Long bát bộ. Năm ngoái, chính ông Kim Dung đã đến xem hiện trường và tuyên bố: Đại Lý sẽ cho ra đời những tập phim chưởng hơn hẳn những bộ phim đã sản xuất ở Hồng Kông.
Ở Vân Nam cũng có cả sự phiền toái lạ lùng; đó là tình huống bị động rất dễ xảy ra do phải di chuyển hai lần bằng đường bay quốc nội. Ở Đại Lý, chúng tôi đã chầu chực một ngày trời ở sân bay, ăn cơm hộp dưới mức bình dân của nhà hàng không, mà không hề được một lời giải thích, xin lỗi. Ở sân bay Côn Minh (sau 2 ngày bị đình hoãn, không rõ lý do), đang khi hồi hộp, mỏi... tai ngóng chờ nghe loa thông báo chuyến bay thì bỗng một nhân viên vẫy gọi, hệt như lơ xe: “Ê... Ai đi TPHCM ra máy bay”. Thế là tất cả... lục tục, tất tả kéo nhau ra về. Nhưng công bằng mà nói, nếu loại bỏ cái tân quái dạng này thì tuyến du lịch Vân Nam quả là kỳ thú.
Bình luận (0)