Như vậy, con đường đến với Olympic Rio 2016 của Tú gần như chỉ còn 10% khi giải đấu tại Kazakhstan là giải cuối cùng để Liên đoàn Judo thế giới tính điểm, xét vị trí và trao suất Olympic đối với các VĐV ở châu Á.
Theo bốc thăm, tại vòng 1, Văn Ngọc Tú ở bảng A với các đối thủ Kazakhstan, Pháp, Indonesia, Azerbaijan. Tú được miễn vòng 1 và thua Galbadrakh Otgontsetseg (Kazakhstan) ở lượt tiếp theo. Cô đang đợi vé vớt dành cho các nước đang phát triển. Như vậy, tính đến hiện tại, võ thuật mới giành được 2 suất dự Olympic 2016 nhờ môn vật là Nguyễn Thị Lụa (53 kg nữ) và Vũ Thị Hằng (48 kg nữ); taekwondo đã hoàn toàn mất suất, quyền Anh vẫn đang chờ vào võ sĩ Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng. Tuy vậy, điều đó khá mong manh khi 2 võ sĩ nói trên phải tranh vé đến Brazil cùng những đối thủ mạnh ở Giải Vô địch thế giới 2016. Thất bại ở vòng tuyển chọn châu Á vừa rồi ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của thầy trò đội tuyển quyền Anh bởi cơ hội càng mong manh hơn rất nhiều.
Theo nhiều nhà chuyên môn kỳ cựu, có khoảng cách khá lớn về trình độ giữa võ sĩ của Việt Nam với khu vực và thế giới, điều mà ở giai đoạn taekwondo còn sở hữu những tên tuổi tài năng như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trọng Cường, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Thị Hoài Thu… chưa từng xảy ra. Đáng tiếc là dù được đầu tư không ít, thậm chí từng được đăng cai vòng đấu tuyển chọn Olympic khu vực châu Á, nhưng taekwondo ngày một sa sút, thậm chí xuống nhanh đến mức khó hiểu. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hiếm thấy võ sĩ nào xuất sắc kiểu như Nguyễn Văn Hùng xuất hiện, ngay cả khi phong trào và kể cả công tác tìm kiếm và đào tạo VĐV trẻ vẫn đang rất mạnh.
Judo thì vẫn chỉ biết trông mong vào phong độ của nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú ở hạng cân 48 kg, càng chứng tỏ khoảng trống về đào tạo VĐV của môn võ này cần được đánh giá lại. Thất bại tại Grand Prix ở Kazakhstan một lần nữa cho thấy võ thuật Việt Nam đang tụt hậu nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả Campuchia.
Bình luận (0)