Từng bị đề xuất giải tán sau lần tổ chức tại Việt Nam năm 2009, Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (AIG) sau đó được sáp nhập với Đại hội Võ thuật châu Á (AMAG) để trở thành sự kiện thể thao AIMAG, theo "sáng kiến" của Hội đồng Olympic châu Á, nhằm phát triển những môn thể thao chưa có tên trong chương trình thi đấu chính thức của Á vận hội.
Do AIMAG không có nhiều giá trị chuyên môn, việc tham dự sự kiện này không phản ánh định hướng phát triển của thể thao Việt Nam nhắm vào những môn trong hệ thống Olympic. Chính vì thế, nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng thể thao Việt Nam nên tập trung nguồn lực, chuẩn bị một cách tốt nhất trong khả năng việc tham dự các đại hội thể thao chính thống thay vì tốn công, tốn của cho những sự kiện chủ yếu mang tính quảng bá thể thao và văn hóa của các quốc gia trong châu lục.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết lần đầu tiên ông đảm nhận trọng trách đưa đoàn thể thao Việt Nam dự AIMAG và sẽ có đánh giá, ghi nhận đầy đủ về cách tổ chức, quy mô, tính chất của AIMAG để có kế hoạch phù hợp tham dự… những đại hội lần sau!
Thạch Kim Tuấn chưa có phong độ và thể lực tốt nhất nhưng sau SEA Games, anh vẫn phải dốc sức dự AIMAG Ảnh: Quang Liêm
Cấp quản lý ngành còn mơ hồ về mục đích tham dự như vậy, chẳng trách cả ngành thể thao lo sốt vó với AIMAG. Nhiều đội tuyển than trời với hành trình "gian khổ" từ Việt Nam sang Turkmenistan, bay gần 20 giờ qua nhiều điểm trung chuyển mới đến được Ashgabat.
"Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á" Lê Tú Chinh phải tập trong sân có mái che và thi đúng một cự ly chạy chỉ 60 m rồi thôi! Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn được xác định chưa có phong độ và thể lực tốt nhất nhưng sau SEA Games anh vẫn phải dốc sức dự AIMAG. Nhiều người còn nói vui rằng áp lực thành tích nặng đến độ kỳ thủ Lê Quang Liêm phải "hy sinh" đấu trường World Cup danh giá để kịp hội quân cùng đoàn Việt Nam tại AIMAG!
Trong số 203 HLV, VĐV của 14 môn thể thao, nhà nước chỉ chi kinh phí cho các môn điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo và vật; 9 môn còn lại đi theo hình thức xã hội hóa, chủ yếu từ nguồn ngân sách các địa phương, ngành và các liên đoàn thể thao quốc gia. Do các cường quốc thể thao của châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc không mấy mặn mà với AIMAG nên đây được xem là cơ hội cho những đoàn khác, trong đó có Việt Nam, giành huy chương cấp độ châu lục.
Tiền thưởng từ những thành tích này xem ra quá hấp dẫn và các VĐV đẳng cấp như Nguyễn Thị Ánh Viên, Lê Quang Liêm, Thạch Kim Tuấn, Lê Tú Chinh… phải hy sinh quãng thời gian quý báu của mình để chinh phục những thành tích "ảo", không phục vụ cho mục tiêu lâu dài của chính họ và thể thao Việt Nam.
Bình luận (0)