Ngày 23-3, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã gửi công văn cho các tổ chức thành viên để thông báo tiếp tục đề cử nhân sự ứng cử tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 vào tháng 4 tới. Cùng ngày, một số tờ báo thông tin về việc ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), sẽ sớm rút khỏi 2 chức danh Tổng Giám đốc VPF và Trưởng Ban Điều hành V-League 2018.
Trước một loạt hành động được cho là sửa sai của VFF và cầu thị của lãnh đạo VPF, nhiều người mừng cho ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Sau hàng loạt phát ngôn công kích nhắm đến 2 vấn đề - Tiểu ban Nhân sự do Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đứng đầu mắc quá nhiều sai sót khó hiểu khi tập hợp đề cử; Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú vốn đã kiêm nhiệm nhiều ghế chủ chốt vẫn muốn ứng cử luôn cả chức phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF - bầu Đức ít nhiều đã khiến những bên liên quan phải gấp rút "trấn an dư luận" bằng các động thái vừa nêu.
Ông Đoàn Nguyên Đức ngày 24-3 thừa nhận ông bị "qua mặt" khi lãnh đạo VFF thông qua một số quyết sách
Ảnh: QUANG LIÊM
Tuy nhiên, với những người am hiểu hoặc trực tiếp liên quan đến bóng đá Việt Nam, bước lùi của ông bầu Trần Anh Tú ở VPF hay việc VFF cầu thị sửa sai thực tế chưa phải là tín hiệu vui. VFF vẫn không công khai giải đáp câu hỏi của bầu Đức về việc "tại sao Tiểu ban Nhân sự lại mắc hàng loạt sai sót trong tổng hợp đề cử?". Liệu đây có phải do "lỗi đánh máy", sai sót trong quá trình thống kê, kiểm đếm hay là những toan tính có chủ ý nhằm triệt hạ mọi đối thủ tiềm ẩn để nhóm lợi ích có thể đạt được mục đích chắc chắn trúng cử ghế chủ tịch, phó chủ tịch thường trực? VFF vẫn giữ sự im lặng, bất chấp lời lẽ công kích từ bầu Đức, truyền thông cũng như dư luận.
Người viết đã đặt câu hỏi với một số chủ tịch CLB, những người có nghĩa vụ và quyền lợi trực tiếp trong đại hội khóa 8 tới đây. Điểm chung của những câu trả lời chính là sự bức xúc và bất lực. Bất lực vì hầu hết đều xin phép không nêu tên trên báo do muốn được yên thân nhưng bức xúc thì vẫn phải nói.
"Anh Đức nói đúng hết, VFF sai đầy ra đó. Có điều, chính anh Đức cũng phải nhận sai, vì anh ấy ở trong thường trực (VFF) nhưng chủ quan, để những cộng sự qua mặt như vậy thì thật đáng trách. Vô lý như quy định ứng viên chủ tịch và 3 phó chủ tịch VFF khóa 8 phải ít nhất có bằng cử nhân mới được tranh cử, vậy mà anh Đức, anh Gụ (Nguyễn Xuân Gụ, phó chủ tịch truyền thông - PV), thậm chí anh Dũng (Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF) cũng không biết, giờ trách làm sao? Đừng nói Tiểu ban Nhân sự tự ý đưa vào quy định này. Họ chỉ chấp bút, còn chỉ đạo phải là từ thường trực, mà 3 ông không hay biết thì ai biết? Vậy ai chỉ đạo thì đều rõ cả rồi" - chủ tịch một CLB phân tích.
Trăn trở của các lãnh đạo đội bóng cũng được chính bầu Đức thừa nhận khi trả lời báo chí sáng 24-3. Ông cho rằng dù là phó chủ tịch tài chính của VFF nhưng bị "thường trực bịt mắt". Bầu Đức bày tỏ trên báo: "Đúng ra, chuyện nội bộ tôi không công khai nhưng VFF đang làm sai trầm trọng. Việc nhân sự này, thường trực như tôi và Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ không hay biết gì. Chỉ một nhóm nhỏ biết. Tôi đề nghị dẹp toàn bộ kết quả nhân sự hiện tại để tổ chức lại từ đầu".
Việc quy định bằng cấp đại học, việc bị Tiểu ban Nhân sự qua mặt trước thềm đại hội, ông bầu của HAGL cũng bức xúc thừa nhận trên báo chí sáng 24-3. "Quy định thường trực họp mỗi tháng một lần để giải quyết các bất cập, đưa ra quyết sách của bóng đá nước nhà. Nhưng VFF mỗi năm chỉ họp 1-2 lần, mỗi lần qua loa 30 phút, nhân họp ban chấp hành tiện đường họp thường trực. Tổ chức này chỉ có một người điều hành là Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Vừa rồi ra họp, được phát tờ giấy thấy danh sách 4 ứng viên chủ tịch VFF, 5 vị phó chủ tịch truyền thông, 2 vị phó chủ tịch chuyên môn, 1 phó chủ tịch tài chính, tôi nghĩ xong rồi. Tôi rút toàn bộ nhưng phải có mặt ở ban chấp hành để có tiếng nói phản biện. Vậy mà người ta cũng loại tôi ra. Tôi gọi về CLB để kiểm tra thì Giám đốc điều hành Huỳnh Mau khẳng định đã gửi rồi, còn bằng chứng giờ giấc. Tôi bảo in ra đưa thì ít phút sau, Tiểu ban Nhân sự mới bổ sung, nói là sơ sót. Như trò con nít..." - ông ngao ngán.
Trong rất nhiều "cơn bão" chỉ trích sau những thất bại của tuyển quốc gia và U23 trước đây, Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn luôn chọn cách giữ im lặng, để dư luận "nói hoài cũng chán" sẽ tự khắc lắng xuống. Bầu Đức hẳn không còn lạ gì chuyện này nên ông khẳng định: Nếu VFF tiếp tục không công khai, minh bạch chuyện đề cử, ông sẽ tiếp tục phản đối đến cùng.
Được đề cử bổ sung trước 31-3
Công văn do Chủ tịch VFF đồng thời là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Lê Hùng Dũng gửi đến các tổ chức thành viên hôm 23-3 ghi rõ: "Để hoàn thiện công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội VFF khóa 8 (2018-2022), Tiểu ban Nhân sự VFF trân trọng thông báo và kính đề nghị các tổ chức thành viên tiếp tục xem xét đề cử nhân sự ứng cử ủy viên ban chấp hành và các vị trí lãnh đạo VFF khóa 8 (lần 2). Các tổ chức thành viên đã đề cử nhân sự (lần 1) trước đây chưa đủ 17 người thì (lần 2) chỉ được đề cử bổ sung số lượng tổng cộng của cả 2 lần không được vượt quá 17 người. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến ngày 31-3".
Công văn được cho là sửa sai của Tiểu ban Nhân sự VFF chuẩn bị cho đại hội khóa 8 Ảnh: HOÀNG TÚ
Ông Dũng cho biết VFF vẫn còn một cuộc họp ban chấp hành nữa. Nếu có thảo luận về vấn đề này, Tiểu ban Nhân sự sẵn sàng tiến hành công khai.
A.DŨNG
2 ứng viên Trần Đình Long và Trần Lệ Nguyên
Chiều 24-3, trước thông tin ông bầu Võ Quốc Thắng muốn giới thiệu ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô, vào chức danh phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc và nhận được câu trả lời từ nguyên chủ tịch HĐQT VPF. "Anh Trần Lệ Nguyên từng tham gia bóng đá nên nếu có ai đề cử tham gia VFF nhiệm kỳ 8 với vai trò phó chủ tịch tài chính thì bóng đá Việt Nam sẽ không sợ thiếu người tài. Tuy nhiên, bây giờ tôi đã ở ngoài bóng đá nên cũng không có quyền gì đề cử anh Nguyên. Em trai tôi là Võ Thành Nhiệm đang bị VFF kỷ luật nên cũng không được giới thiệu ai cả. Với lại, đâu chỉ có mình anh Nguyên, tôi thấy nhiều người khác cũng rất giỏi để các thành viên VFF đề cử" - bầu Thắng nhấn mạnh.
Vấn đề nhân sự chủ chốt VFF gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua, chủ yếu xoay quanh 2 vị trí chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Khúc mắc của mọi việc xem ra chỉ có thể được tháo gỡ nếu VFF tìm và mời được nhân sự thích hợp, ứng cử vào cương vị chủ tịch. Chỉ khi xác định được người đứng đầu, việc chọn các phó chủ tịch sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều bởi lúc đó, không có cơ hội cho một ai tạo dựng ê-kíp với mục đích hoặc động cơ cá nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng công việc cần làm lúc này của VFF là bỏ qua những khúc mắc để nhìn cùng một hướng, chung tay vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Một trong số những ứng viên được quan tâm cho vai trò lãnh đạo VFF chính là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long từng tham gia làm bóng đá trước khi chuyển giao đội bóng Hòa Phát Hà Nội năm 2011.
Giới chuyên môn và đông đảo người hâm mộ đánh giá rất cao ông Trần Đình Long - từng là một "ông bầu" uy tín, thẳng thắn, hiểu chuyên môn và làm bóng đá có "nghề". Chừng ấy phẩm chất, cộng thêm vai trò của một trong những doanh nhân thành đạt nhất hiện nay, đủ để ông ngồi vào ghế lãnh đạo VFF vốn đòi hỏi một nhân vật có uy tín xã hội, có tâm huyết và khả năng quản lý.
Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu nhận được lời mời trân trọng từ VFF và có được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp cũng như từ người hâm mộ bóng đá, ông Trần Đình Long khó lòng từ chối việc gánh vác trọng trách tại VFF. Khi đó, tương lai bóng đá Việt Nam được kỳ vọng có cơ hội phát triển.
A.DŨNG - Đ.LINH
Bình luận (0)