Theo ông Dũng, tại cuộc họp Ban Chấp hành (BCH) VFF vào ngày 5-1-2014, Thường trực VFF sẽ đưa nội dung “Xây dựng lại hệ thống đào tạo trẻ” để các thành viên thảo luận và ra nghị quyết. Quyền Chủ tịch VFF nhận xét: “Nếu định hướng lại theo cách đầu tư cho tương lai, một vài năm tới, U23 Việt Nam và đội tuyển có thể vẫn thất bại nhưng xa hơn nữa, chúng ta sẽ có lớp cầu thủ trình độ tốt”. Ông Dũng dẫn chứng hệ thống đào tạo trẻ của CLB HAGL đã cho ra đời các cầu thủ U19 có trình độ nổi trội so với nhiều đội cùng lứa trong khu vực.
Ngay tại hội nghị BCH sắp tới, ông Dũng cũng sẽ đề nghị VFF đưa vấn đề xây dựng đội tuyển theo hướng vì mục tiêu lâu dài, định hướng căn cơ để Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp, hỗ trợ. Theo ông Dũng, Malaysia trước khi giành được những HCV liên tiếp của bóng đá khu vực cũng trải qua nhiều thất bại. Vì thế, VFF và cả người hâm mộ thời gian tới cũng phải thay đổi tư duy.
“Tôi nghĩ rằng có những giai đoạn nhất định, VFF chịu sức ép, chạy theo thành tích và đặt ra mục tiêu giải đấu nào cấp độ khu vực cũng phải có huy chương hay vào đến chung kết. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta chấp nhận thực tế là nhiều đội bóng khác vượt qua Việt Nam nhờ đầu tư cho đào tạo trẻ tốt hơn” - ông Dũng nói. Theo ông, để thực hiện chiến lược đường dài, VFF cần được người hâm mộ và nhất là dư luận báo chí ủng hộ.
Về vấn đề liệu VFF có chủ quan cũng như đánh giá thấp các đối thủ khi đặt mục tiêu U23 Việt Nam vào chung kết và treo thưởng 2 tỉ đồng nếu giành ngôi vô địch, ông Dũng khẳng định: “Không có chuyện chủ quan. VFF nhận thức được trình độ của U23 Việt Nam lúc này nên muốn có sự động viên tinh thần, đầu tư tối đa để họ chuẩn bị tốt nhất mọi mặt. Mục tiêu tuy không thành nhưng chúng ta vẫn thu được những bài học quý giá”.
Với chuyện có nên thay HLV trưởng hay không sau thất bại, ông Dũng cũng cương quyết: “Thói quen sa thải HLV sau một giải đấu thất bại cũng cần thay đổi. Chỉ cần đặt ngược lại vấn đề rằng lúc này người nào thay, kể cả HLV nội lẫn ngoại, thì cũng đâu có ai đề xuất được người xứng đáng hay đủ bản lĩnh nhận nhiệm vụ?”.
Rập khuôn, thiếu sáng tạo Sáng 18-12, U23 Việt Nam đã lặng lẽ chia tay thủ đô Nay Pyi Taw - Myanmar trên một chiếc xe khá cũ kỹ để quay lại cố đô Yangon cho kịp chuyến bay tối về Việt Nam. Tâm trạng chán nản của U23 Việt Nam cũng là nỗi lòng chung của người hâm mộ nước nhà. Có rất nhiều mổ xẻ quanh 2 thất bại trước U23 Singapore và U23 Malaysia nhưng tựu trung, điều dễ nhận ra nhất ở U23 Việt Nam là hình ảnh rập khuôn đội tuyển quốc gia thời HLV Phan Thanh Hùng cách đây 1 năm: Vẫn lối chơi di chuyển, chuyền bóng nhiều nhưng thiếu đột biến, khả năng dứt điểm kém khi gặp đối thủ mạnh và tinh thần thi đấu không bù đắp nổi chuyên môn. Vấn đề là tại sao có hơn 3 tháng chuẩn bị nhưng HLV Hoàng Văn Phúc không chịu tạo nhiều phương án khi còn cơ hội? HLV Hoàng Văn Phúc không bao giờ mạo hiểm, không thích thay đổi. Bảng danh sách bất biến “11+3”, tức đội hình chính mặc định và 3 cầu thủ dự bị sẽ vào thay khi cần thiết, chỉ có thể dọa được U23 Brunei và U23 Lào. Với HLV giàu kinh nghiệm và tinh quái như Ong Kim Swee của U23 Malaysia hoặc Iskandar của U23 Singapore, chuyện “bắt bài” đội U23 Việt Nam nằm trong tầm tay. Thời tuyển quốc gia và U23 được HLV Henrique Calisto dẫn dắt, cuộc cạnh tranh vị trí trong đội rất công bằng. Từ cầu thủ cho đến các phóng viên, đặc biệt là đối thủ, đều không thể biết được khi đội ra sân, chuyên gia người Bồ Đào Nha sẽ cho ai đá chính. A.Dũng |
Bình luận (0)