Tên gọi Hải Đăng (Tây Ninh) giờ đây đã được người hâm mộ quần vợt cả nước biết đến cũng như các giải Hải Đăng tổ chức luôn quy tụ đầy đủ các tay vợt hàng đầu của Việt Nam. Tây Ninh không chỉ bỗng chốc có tên trên bản đồ quần vợt Việt Nam mà còn hứa hẹn trở thành trung tâm, cái nôi như Becamex Bình Dương hoặc trước đó là TP HCM, Hà Nội, Sóc Trăng... Sự thay đổi tích cực này gắn liền với ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Đăng. Ông Giang đã dành cho Báo Người Lao Động cuộc trao đổi ngay tại Giải F4 và F5 Việt Nam mà Hải Đăng là đơn vị tổ chức kiêm nhà tài trợ.
* Phóng viên: 10 năm đến với quần vợt để vui, khỏe nhưng vì sao gần một năm nay, ông quyết định "làm quần vợt"?
- Ông Thái Trường Giang: Ai cũng có niềm vui và khi chọn được niềm vui quần vợt bảo đảm cân bằng được cuộc sống gia đình, kinh doanh lẫn sở thích thì tôi chọn. Hơn nữa, tôi là người dân Tây Ninh, mà Lý Hoàng Nam - tay vợt số 1 Việt Nam hiện nay là người Tây Ninh - nên sự lựa chọn niềm vui của tôi cũng là "thiên thời - địa lợi - nhân hòa".
* Sao mà các tay vợt hàng đầu Việt Nam đều có những nhận xét tốt về ông?
- Trên đời này chẳng có ai hoàn hảo nên khi đến với nhau thì nên đến bằng cái tốt của nhau. Sống đừng có ích kỷ và đừng vì cái tôi. Tôi làm chủ nhưng luôn lắng nghe để quyết định chứ không áp đặt. Nhìn các VĐV của mình, tôi chỉ nói trong quần vợt, sau thời kỳ đỉnh cao, họ sẽ làm gì và sống ra sao trong quãng thời gian còn lại? Tôi không chỉ đầu tư mà còn định hướng, trao đổi cách sống với tất cả những ai đã chọn con đường quần vợt. Do đó, những ai đã đến với Hải Đăng, tôi luôn khuyên và tạo điều kiện cho họ có thêm một nghề phù hợp với năng lực, trình độ để không chỉ sống mà còn sống khỏe sau này.
Ông Thái Trường Giang và Hoàng Nam trong một buổi tập luyện quần vợt Ảnh: Thái Phong
* Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông có thấy bất công khi quần vợt là môn cá nhân, danh hiệu, giải thưởng, tất cả đều thuộc về VĐV, còn doanh nghiệp chẳng được gì ngoài việc phải đầu tư?
- Nếu kinh doanh thì đây là sự đầu tư không hiệu quả. Như tôi đầu tư CLB Hải Đăng hiện nay gồm 4 sân quần vợt, một hồ bơi, khu nhà nghỉ cho HLV, VĐV, nhà hàng… thu không đủ bù chi. Nhưng nếu được, tôi vẫn tiếp tục mở rộng để có 9 sân, xây dựng thêm khách sạn 3 sao để Tây Ninh có cụm thể thao đủ chuẩn tổ chức các giải quần vợt quốc tế ở trình độ cao hơn chứ không dừng ở Giải Men’s Futures. Tôi cũng khát khao một ngày nào đó Việt Nam có những tay vợt đủ trình độ tham gia và có thành tích tốt tại các giải trong hệ thống Challenger, ATP. Ở Việt Nam hiện nay, khi đã đầu tư vào thể thao thì đừng nghĩ đến lợi nhuận. Với tôi, làm quần vợt đơn giản vì muốn làm điều gì tốt nhất có thể trong khả năng của mình cho tỉnh nhà.
* Theo ông, giải pháp nào cho quần vợt Việt Nam có được tay vợt trong top 100 ATP?
- Tôi tin rằng nếu đây là chương trình quốc gia với mục tiêu Việt Nam có tay vợt trong top 100 thế giới rồi thành lập quỹ tập hợp được những người giỏi có uy tín điều hành và đưa ra được chiến lược biến giấc mơ thành hiện thực thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia và chắc chắn tôi sẽ ủng hộ. Chỉ cần 30 doanh nghiệp, mỗi năm ủng hộ 1 tỉ đồng là quần vợt Việt Nam có nguồn kinh phí đủ để đầu tư lâu dài cho khoảng 10 tay vợt tài năng phấn đấu vào top 100 ATP.
* Theo ông, ai sẽ là ngọn cờ đầu kêu gọi thành lập quỹ với dự án Top 100 ATP?
- Mới đây, trong lễ ra mắt Trung tâm Đào tạo quần vợt TP Đà Nẵng, Công ty CP Sun World (Tập đoàn Sun Group) đã tài trợ 70 tỉ đồng cho đề án "Ươm mầm tài năng hướng đến Grand Slam 7 năm" (2018-2025). Điều đó có nghĩa là khi tập hợp được sức mạnh xã hội rồi làm đúng, làm tốt thì quần vợt Việt Nam cũng như thể thao Việt Nam sẽ không khó phát triển.
Được ngợi khen
Hai ông Lý Hoàng Việt và Trịnh Hồng Giang, cha của Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang - hai tay vợt số 1 và số 2 hiện nay của Việt Nam - nhận xét về ông Thái Trường Giang là "nhà tài trợ nhiệt huyết và vô điều kiện". Mới hồi tháng 4 này thôi, khi Hoàng Nam và Linh Giang cùng thi đấu Giải Vô địch Nam - Nữ lần II tranh Cúp Hải Đăng năm 2018 (VTF Pro Tour II - 2018) ở Tây Ninh, nhận thấy nếu quanh quẩn ở trong nước, tài năng của Nam và Giang sẽ khó phát triển nên trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo B.Bình Dương ngay tại giải, ông Giang đã đồng ý hỗ trợ và chia sẻ kinh phí với B.Bình Dương nhằm tạo điều kiện cho Nam đi tập huấn ở Tây Ban Nha (50% kinh phí), còn Linh Giang thì ở Thụy Điển (100% kinh phí) theo kế hoạch.
Hai người cha cùng cho biết ông Trường Giang chưa bao giờ nói Nam và Giang về thi đấu cho Tây Ninh, thậm chí còn yêu cầu 2 tay vợt này không nên mặc áo trong lúc tập luyện cũng như là thi đấu có logo nào của Hải Đăng vì họ đang là VĐV của B.Bình Dương.
Bình luận (0)