Theo chuyên gia Trần Duy Long, cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam, đội Nhật Bản dù phải trải qua một sự biến động lực lượng cực lớn sau World Cup 2018 nhưng đây vẫn là một tập thể đáng gờm, xứng đáng là ứng cử viên nặng ký của ngôi vô địch Asian Cup lần này. Dưới sự dẫn dắt HLV Hajime Moriyasu, Nhật Bản là một đội bóng tuân thủ nghiêm kỷ luật chiến thuật, giữ được sự ổn định về lối chơi nhất là khâu phòng ngự. Dàn hậu vệ của đội bóng này tuy không cao to nhưng sẵn sàng chơi không chiến quyết liệt với các đối thủ Tây Á.
Điều khiến giới chuyên môn phải suy nghĩ nhiều chính là lối chơi của Nhật Bản thiếu tính đột phá, điển hình là ở trận gặp Ả Rập Saudi tại vòng 16 đội. Sự thực dụng trong lối chơi của Nhật Bản đã quá rõ khi họ sẵn sàng lùi về phòng ngự số đông rất nhanh, liên kết mọi mắt xích ở hàng thủ để chống phản công.
So với lần gặp nhau 5 tháng trước, Đoàn Văn Hậu và Việt Nam sẽ vất vả hơn vào tối 24-1 khi Nhật Bản lần này cử đội hình mạnh nhất Ảnh: ANH ĐỨC
Dù vậy, vẫn phải thừa nhận đẳng cấp của tuyển Nhật Bản hoàn toàn vượt trội so với tuyển Việt Nam. Các học trò của HLV Park Hang-seo dù tiến bộ rất nhanh trong năm qua nhưng khoảng cách nhất định vẫn chưa được san lấp. Dự báo trận tứ kết Việt Nam - Nhật Bản sẽ là cuộc chiến quyết liệt ở trung tuyến và đội nào phạm ít sai lầm hơn sẽ có cơ hội giành chiến thắng.
Theo ông Long, không nên quá mơ mộng về một cuộc lật đổ ở tầm châu lục nhưng chúng ta tin tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội tạo được bất ngờ, cụ thể là kéo trận đấu về hai hiệp phụ hoặc đá luân lưu 11 m.
Trong khi đó, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định về một cuộc chiến đầy ắp khó khăn dành cho tuyển Việt Nam. Ông cho rằng màn trình diễn ổn định của Nhật Bản qua các trận đấu vòng bảng lẫn vòng 1/8 đủ chứng thực cho khát vọng vô địch của đội bóng xứ sở mặt trời mọc. 11 cầu thủ Nhật Bản ra sân trong đội hình xuất phát khi gặp Ả Rập Saudi đều chơi bóng ở châu Âu, chứng tỏ khả năng, bản lĩnh được trui rèn mỗi tuần thực sự đáng gờm nhờ kinh nghiệm lẫn ý thức kỷ luật chiến thuật. Cặp tiền đạo Yoshinori Muto cũng như Yuya Osako khó có thể ra sân vì chấn thương và thẻ phạt nhưng Nhật Bản vẫn còn nhiều lựa chọn trên hàng công, đủ sức bóp nghẹt lối chơi của mọi đối thủ để giải quyết trận đấu theo ý muốn của mình.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, điểm yếu lớn nhất của Nhật Bản là hàng thủ của đội này thường mắc lỗi như ở 2 trận gặp Uzbekistan và Ả Rập Saudi. Để có một kết quả tích cực, tuyển Việt Nam cần chủ động chơi tấn công thay vì chỉ tập trung vào lối chơi phòng ngự phản công.
Cựu HLV trưởng CLB Đồng Tháp và Bình Dương không tin vào một điều bất ngờ nào nhưng khả năng Việt Nam gây thật nhiều khó khăn cho Nhật Bản có thể được dự báo. Trên tất cả, những câu chuyện thần kỳ trải dài từ U23 châu Á 2018, Á vận hội 2018 và gần đây nhất là AFF Cup 2018 có thể tiếp thêm sức mạnh cho các "chiến binh rồng vàng"…
Bình luận (0)