Nằm sâu phía trong Bệnh viện (BV) Việt - Đức là tầng một của khu mổ; tại đây, hầu như cái gì trông cũng trắng đến lạnh toát. Đó là Phòng Hồi sức Tích cực (HSTC) thuộc Khoa Gây mê hồi sức.
Những tiếng tít, tít u ám.- Nhiều người xuất phát từ đây để chịu được phẫu thuật, rồi nếu diễn biến bệnh xấu, họ lại quay về để hồi sức, tăng cơ may sống sót sau các ca mổ. Sự vận hành này đều đặn đến nỗi người ta nghĩ đến đương nhiên phải thế (người bệnh phải được khỏe mạnh để mổ và họ phải khỏe mạnh để về nhà). Tại nơi phẫu thuật, có khi phẫu thuật viên chính quát tháo, nhưng tại Phòng HSTC, sự im lặng gần như tuyệt đối, âm thanh duy nhất hiện hữu chỉ là những tiếng tít, tít đều đặn của các máy giúp cơ thể sinh tồn. Với người lạ, những âm thanh này thật không thân thiện, nó lộ thêm sự nguy nan và mong manh của sự sống. 2/3 số người ở đây đều đang... nhắm mắt vì đã hôn mê và chắc chắn trong số họ, nhiều người sẽ không bao giờ còn được mở mắt. Khi tôi gọi điện đến, giọng nói của PGS Chu Mạnh Khoa, người chịu trách nhiệm ở căn phòng mà sự sống và cái chết luôn trong cuộc chiến không ai toàn thắng này cũng rất nhẹ, không át được những tiếng tít, tít u ám. Song khi đến nơi, chỉ vượt 2 lớp cửa kính, ai cũng hiểu, phía sau sự im lìm là cả một thế giới của những ngọn lửa sinh tồn, cái lịm dần, cái đang trong những nỗ lực cuối cùng để bừng dậy. Cùng đó là sự bận rộn và căng thẳng của các bác sĩ để tiếp sức sự sống đang mong manh. Chỉ cần họ ngủ quên, mạnh tay hay chép miệng buông xuôi là tính mạng của người bệnh cũng... xuôi luôn, những chiếc xe dịch vụ đưa đón ngay đối diện cửa Khoa Hồi sức sẽ có việc; và nhiều người sẽ phải khóc.
Cái lối đi nho nhỏ qua cửa chính vào khu nhà HSTC chỉ vừa khít bánh xe cứu thương và hai người đẩy như muốn từ chối số đông lui tới. Và những ai phải tới đây đều ở trong hoàn cảnh éo le: một học sinh chuyên toán nghèo lên Hà Nội học, chuẩn bị được đi thi quốc tế thì bị chấn thương sọ não; một anh chồng mới cưới, đèo vợ về lại mặt thì bị tai nạn không qua khỏi, bỏ lại bạn đời đôi mắt đỏ hoe. Hay một người mẹ khi chuẩn bị ra đi, khóc nấc trước hai đứa con nhỏ đứng chưa đến thành giường: “Mẹ chẳng có gì để lại cho các con”...
Chuyện tình ở nơi gần cái chết.-
“Nhà vui”, “phòng hy vọng”.- Nếu như với người thường, tim ngừng đập là chết nhưng với các bác sĩ ở Phòng HSTC BV Việt - Đức, họ thường cam đoan: Chưa gì! PGS Chu Mạnh Khoa bảo, ngày xưa khi còn luật cho phép chém đầu tội phạm, dân gian kể lại: Có người khi đầu lìa khỏi cổ nhưng miệng vẫn... cười hoặc chớp mắt là chính xác. Đơn giản vì khi bị chém, tim vẫn đập và não sau một thời gian mới chết. Với những cán bộ gây mê phục vụ mổ, đặc biệt là mổ tim, họ phải ức chế cho tim ngừng đập và thay thế nó bằng một loại máy là chuyện phải làm... hằng ngày. Đấy là phải mở lồng ngực, cắt rồi nối các động mạch ra ngoài. Còn trong kiến thức y khoa, nếu để tim ngừng đập quá 5 phút mà không có cách đưa máu chứa ôxy lên não thì bệnh nhân khó qua nổi hoặc chỉ còn sống thực vật vì não đã chết. Thế nhưng, PGS Chu Mạnh Khoa lại khẳng định: “Sau 10 phút chúng tôi vẫn có thể phục hồi được”. Thậm chí, một số bệnh nhân tim ngừng đập, đường đẳng điện não âm, thân nhiệt lạnh dần, đồng tử mắt đã giãn ra..., người nhà bệnh nhân khóc rống lên, đã tự vuốt mắt rồi phủ vải trắng lên đầu người xấu số nhưng gần 10 phút sau, Phòng HSTC vẫn “lôi” được người đó về cõi sống. “Chúng tôi dùng mẹo buộc não nghỉ. Giống như lúc hoạt động nhiều, ta phải thở mạnh nhưng khi ngủ lại thở nhẹ, khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu trầm trọng, chúng tôi cho họ dùng thuốc ngủ để giúp não “nghỉ ngơi” giữ sức. Và 10 phút quý giá kia là để tìm biện pháp giành họ lại từ tay thần chết”. Trên đây chỉ là một trong những phương pháp để Phòng HSTC BV Việt - Đức được nhiều bệnh nhân gọi là... “nhà vui” hay “phòng hy vọng”. Đây là những cái tên rất ý nghĩa, không biết lãnh đạo BV Việt-Đức có bao giờ nghĩ sẽ lấy để đặt cho những căn phòng hiện vẫn chỉ đeo những con số lạnh lùng?
Phòng lãng quên!.- Cách đây chưa lâu, một người phụ nữ ngót 60 tuổi bị tắc mật, nhiễm trùng nặng phải vào chỗ PGS Khoa. Sau khi mổ lại vẫn viêm, mủ lan ra choán đầy cả ổ bụng. Nặng đến nỗi, trưởng nam của bà cụ làm ở Bộ Y tế, anh con thứ làm ở chính BV Việt-Đức cũng tìm đến ông Khoa “xin cụ về cho đỡ đau đớn”. Chỉ cần đặt bút ký là hết trách nhiệm nhưng ông Khoa lấn cấn: “Cậu không thể cướp 20% sống của mẹ cậu được!”. Sau hơn chục phút suy nghĩ, anh con trai cả đồng ý để mẹ lại cho PGS Khoa. Và 2 tuần sau, mẹ anh được trở về và đã sống thêm đến 15 năm nữa!...
Đây cũng là nơi nhiều bệnh nhân đã “thấy mặt” tử thần, hoặc đã đi vào cõi tử 5 - 10 phút rồi trở lại thế gian, nên đã có nhà khoa học vào đây để tìm hiểu xem những người chết đã... thấy gì. Kết quả: Người thì thấy toàn bộ những sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình như cuộn băng quay chậm lại, người thì thấy bỗng như hẫng xuống khoảng không, người thì thấy một vầng sáng chói lòa... Nhưng hỏi PGS Chu Mạnh Khoa, ông bảo: “Nói chung là họ chẳng nhớ gì thực tế cả!”. Đây có lẽ là lý do sinh ra một đặc điểm rất riêng ở Phòng HSTC, đó là... bị lãng quên.
Đã có một người mẹ khi chăm con bị tai nạn, thấy con mình chợt nấc lên, nước mắt ứa ra rồi lịm dần, nhìn lên máy điện tim thẳng băng, ngó xuống thấy mắt con không còn chớp nữa. Bà hét lên rồi ngất xỉu. Cứ vừa tỉnh lại, bà lại ngất. Nhưng thực ra con bà chưa chết. Mấy lần đứng đợi để báo tin vui không thành, PGS Khoa phải nhìn đăm đăm vào mắt bà, khi vừa mở mắt, ông quát: “Sống rồi!” mà bà vẫn mãi ngơ ngác chưa tin là thật! Thế nhưng, sau niềm vui không gì sánh được thể hiện bằng buổi liên hoan trọng thể của gia đình, bà mẹ kia thiết tha mời các phẫu thuật viên nhưng lại... quên Phòng Hồi sức!
Hầu hết những người được đưa xuống Phòng HSTC đều đang ở giai đoạn bệnh khá nặng, cơ thể rất yếu hoặc đang hôn mê, mắt nhắm nghiền. Khi vừa khỏe lại là họ phải ra ngay để nhường chỗ
Mong manh: Trong số bệnh nhân từ phòng mổ chuyển xuống Phòng Hồi sức Tích cực có đến 70% dự đoán: Chết! 30% còn lại giành được sự sống
cho người khác. Thế nên chẳng trách khi đi tập thể dục buổi sáng, thấy bé gái mới được cứu kia đi học ở Hồ Tây, PGS Khoa tiến lại hỏi: “Cháu có nhớ bác là ai không?”. Đứa trẻ chỉ lắc đầu sợ sệt rồi chạy vụt đi, sau mới quay lại kêu: “Không biết”! Với những người làm nghề hồi sức, “vậy đã là hạnh phúc rồi!”.
PGS Chu Mạnh Khoa tâm sự: “Rất may, cả đời tôi mới có một lần bị kiện. Có lần đi nghỉ mát, một bệnh nhân đã nhận ra các cán bộ Phòng Hồi sức và năn nỉ đoàn vào chơi. Đó chính là niềm vui lớn, dù chỉ là một vài ánh mắt biết ơn. Tôi cũng dò hỏi các nhân viên hồi sức và được biết, khi thấy người bệnh sống, mình tự thấy vui, thấy hạnh phúc rồi. Đó là niềm hạnh phúc vô biên, vì đã chiến thắng được... thần chết!
Bình luận (0)