Nếu như tổ đường Vovinam (Việt Võ Đạo) trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) được xem là nơi khởi nguồn cho sự phát triển thì tại căn nhà nhỏ ven kênh Tàu Hũ trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP HCM) được xem là tổ ấm cho các môn sinh của môn võ này. Chủ của tổ ấm này, võ sư Nguyễn Văn Chiếu, được xem như người truyền lửa cho môn phái, đặc biệt là giai đoạn sau năm 1975, khi ông miệt mài đi khắp nơi trên thế giới để vận động cho tinh thần võ đạo của người Việt Nam.
Khác với những võ sư quắc thước, hùng dũng và oai phong, võ sư Nguyễn Văn Chiếu người nhỏ nhắn, nhẹ nhàng cùng giọng nói trầm ấm. Vậy mà đông đảo những môn sinh đều đến với ông từ sự ân cần, nhẹ nhàng đó cùng với cái ôm ấm áp cho những người học trò. Sau năm 1975, cũng như những môn võ khác, Vovinam gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển. Là một cán bộ của ngành TDTT quận 8, ông Chiếu kiên trì với những lớp võ nhỏ mang tính phong trào, thuyết phục với những người lãnh đạo về tính võ đạo hướng thiện của môn võ dân tộc nhưng cấp tiến và sáng tạo. Dần dà tinh thần võ đạo Vovinam được khai thông và phát triển rộng rãi trở lại từ quận 8 rồi các quận, huyện khác của TP HCM, sau đó lan tỏa đi cả nước với hàng ngàn môn sinh theo tập. Trong những lúc khó khăn ấy, võ sư Chiếu may mắn có người vợ hiền, vốn là một giáo viên tiểu học, hiểu công việc của chồng, yêu võ thuật, đôi khi phải chạy vạy khắp nơi để vay từng lon gạo, miếng khô tiếp tế cho các học trò của chồng. Bao thế hệ võ sinh từ Hà Nội, Lạng Sơn đến Cà Mau, Phú Quốc, từ Campuchia đến Lào, Nhật Bản hay Romania, Anh, Pháp, Bỉ, rồi Algeria, Mali... từng ngồi chồm hổm húp chén canh, ăn tô cơm khô lóc ở hiên nhà thầy Chiếu. Cả môn sinh có việc cần, thiếu tiền chút đỉnh, rồi cái xe hư không có tiền sửa, con sắp phải đóng học phí mà kẹt quá cũng… "ghé ngang" nhà thầy.
Ông Mohamed Djouadj (phải), Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới và ông Florin Macovei, Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Âu, tại lễ tang cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu Ảnh: QUANG LIÊM
Năm 1990, khi phong trào Vovinam trong nước đã ổn định, võ sư Nguyễn Văn Chiếu lại "khăn gói" sang Belarus để tìm cách quảng bá cho môn võ dân tộc này ra nước ngoài. Từ châu Âu, Vovinam lan tỏa khắp thế giới, có mặt ở những nơi được xem là thánh địa võ thuật như Nhật Bản, Ấn Độ. Đặc biệt, tại châu Phi, nhiều người đã tìm đến Vovinam như tìm cho mình một triết lý sống bởi yêu mến tinh thần "tôn sư trọng đạo" của môn võ này. Tính đến nay, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã đến hơn 20 nước để truyền dạy Vovinam. Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu, yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam ngoài vấn đề kỹ chiến thuật còn có tính triết lý ẩn chứa sâu sắc trong môn võ này. Người nước ngoài còn thích Vovinam vì tính đơn giản nhưng rất logic, đòn thế dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao.
Đến nay có khoảng 1 triệu người theo tập Vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới. Vovinam đã có những giải như vô địch châu Âu, vô địch thế giới. Đó là một bước tiến lớn trong chặng đường phát triển và quan trọng hơn là ở quốc gia nào, Vovinam vẫn giữ được lề thói, tinh thần của người Việt. Đây cũng là điều võ sư Nguyễn Văn Chiếu cảm thấy hạnh phúc nhất.
Bình luận (0)