Sinh năm 1935, từng là Giám đốc Bệnh viện An Bình, sau khi nghỉ hưu, Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, khi ấy vừa đảm nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bệnh viện (BV) Triều An, được xem như là một số ít người đầu tiên cùng khôi phục lại phong trào xe đạp sau ngày đất nước thống nhất.
BS Nam kể lý do đến với xe đạp: "Những cuộc đua liên tỉnh Sài Gòn – Mỹ Tho – Gò Công vào những năm 1950 đã tạo cho tôi niềm say mê lớn và lúc đó tôi cũng ao ước mình được trở thành một cua-rơ thực thụ. Song thời ấy việc học là trên hết, vả lại gia đình tôi không giàu có gì để có thể sắm xe cho con chơi. Phải chờ đến khi đậu trung học, mẹ tôi mới dành dụm đủ tiền mua tặng tôi chiếc xe đạp sườn ngang. Tôi không những xem đó là phương tiện tập luyện thể thao cùng đám bạn ở Mỹ Tho, mà còn là kỷ vật lớn của gia đình...". Chiếc xe đó sau này được treo ngay cạnh bàn thờ mẹ ông như nhắc nhở mình về công ơn sinh thành.
TS - BS Nguyễn Hải Nam thăm khám bệnh nhân. Ảnh: TL
Khoảng những năm 1980, dù BS Nam khá bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng biết ông là người có "máu" xe đạp, nên "anh Hai Bửu" (ông Lê Bửu, nguyên giám đốc Sở TDTT TPHCM, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) và người bạn quá cố Tư Ngữ (ông Trần Thanh Ngữ, nguyên trưởng Phòng TDTT quận 1) đã động viên ông tham gia.
Đó cũng là quãng thời gian trong thập niên 1980 – 1990 khó thể nào quên bởi đó là thời kỳ thành công rực rỡ của phong trào xe đạp TP HCM. BS Nam phấn chấn nhớ lại: "Phong trào xe đạp TPHCM hình như là mô hình khởi đầu cho xã hội hóa thể thao đầu tiên trong nước. TP HCM chiếm 11 đội xe đạp trên tổng số 21 đội trên cả nước, đáng nói là đa phần đều do các doanh nghiệp thành lập". Nhờ mô hình và phong trào sâu rộng, nên thông qua việc tổ chức cuộc đua Về Nguồn (năm 1983) rồi đến Xuyên Việt (1985)..., chất lượng các đội đua không chỉ tăng lên mà còn là tiền đề để các nhà tổ chức mở ra nhiều cuộc đua như Cúp Truyền hình TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long sau này...
Thọ Trung
Bình luận (0)