Thông tin từ gia đình cựu võ sĩ lừng lẫy tên tuổi này cho hay Muhammad Ali đã giã biệt cuộc đời tại một bệnh viện ở thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ) sau một cơn suy hô hấp, di chứng của căn bệnh Parkinson mà ông phải chịu đựng gần 30 năm nay. Cũng theo gia đình cựu võ sĩ tên tuổi này, đám tang ông sẽ được tổ chức trọng thể tại thành phố quê hương Louisville ở Kentucky.
Muhammad Ali tên thật là Cassius Marcellus Clay, sinh ngày sinh ngày 17-01-1942 tại vùng Louisville, bang Kentucky. Ở độ tuổi 12, cậu bé Cassius đến với môn quyền Anh hoàn toàn tình cờ khi cậu bị mất cắp chiếc xe đạp. Khi đến trình báo với nhà chức trách, Cassius đã nói với viên cảnh sát Joe Martin: “Cháu muốn nện cho tên trộm một trận”.
Câu trả lời từ Martin, một cảnh sát kiêm huấn luyện viên môn quyền Anh cho các thanh niên ở địa phương đã làm thay đổi hẳn số phận của Cassius: “Vậy thì cháu phải học cách đánh trước khi thách đấu với người khác”.
Muhammad Ali chiến thắng cuộc so tài với Sonny Liston năm 1964
Cassius Clay được Martin đồng ý cho theo học quyền Anh và và sự nghiệp của một huyền thoại bắt đầu từ đây. Mải mê tập luyện, tài năng của Cassius luôn vượt trội hơn so với bạn bè đồng trang lứa và trước khi bước vào tuổi 18, cậu đã sở hữu 6 chức vô địch “Đôi găng vàng” vùng Kentucky, 2 danh hiệu “Đôi găng vàng” quốc gia và 2 chức vô địch Liên đoàn thể thao nghiệp dư quốc gia.
Sau khi giành tấm HCV cho đoàn thể thao Mỹ tại Thế vận hội Rome 1960, Cassius Clay chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp cùng năm và chỉ 4 năm sau, ông cùng với Sonny Liston làm nên “cuộc chiến thế kỷ” và chiến thắng giúp ông có được danh hiệu vô địch thế giới hạng nặng đầu tiên. Diễn ra tại Lewiston (Maine, Mỹ) và cho đến nay, ký ức về trận đấu này vẫn còn rất sâu đậm đối với nhiều người hâm mộ. Cassius Clay đánh bại đối thủ bằng “cú đấm ma” bởi không ít khán giả dự khán trận đấu đã khẳng định, cú đấm của ông khi đó dường như chưa trúng vào người Liston nhưng đối thủ của ông vẫn ngã vật xuống đài. Đôi găng tay mà Cassius sử dụng ở trận đấu này đã được bán đấu giá vào năm 2014, thu về được 836.500 USD, một trong những kỷ vật thể thao đắt giá nhất thế giới.
Ở thời điểm diễn ra trận đấu với Sonny Liston, Cassius Clay có quan hệ mật thiết với Quốc gia Hồi giáo, một tổ chức tôn giáo đặt mục tiêu phát triển các vấn đề tinh thần, khí chất, xã hội và cuộc sống kinh tế cho những người gốc Phi tại Hoa Kỳ. Ông cũng có mối giao lưu thân tình với mục sự Martin Luther King, một nhà đấu tranh vì nhân quyền nổi tiếng. Từ đó, ông chuyển hẳn tín ngưỡng sang đạo Hồi và đổi tên khai sinh thành Muhammad Ali.
Năm 1967, Ali tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam bằng cách từ chối lệnh tòng quân. Ông bị tước bỏ danh hiệu vô địch thế giới và giấy phép hành nghề võ sĩ, không thể tham gia thi đấu trong gần 4 năm.
Trận đấu với Trevor Berbick năm 1981
Sau khi án phạt vì tội từ chối thi hành quân dịch hết hiệu lực, Ali trở lại võ đài năm 1971 và tham gia 3 trận đấu để đời, lấy lại vinh quang thuở nào. Ông thất bại trong “trận đấu thế kỷ” với Joe Frazier diễn ra tại New York vào ngày 8-3-1971, đòi lại được đai vô địch bằng cú đấm knock-out sau 8 hiệp đấu với George Foreman ở “trận đấu giữa rừng già" Kinshasa, Zaire (nay là CHDC Congo) tháng 10-1974.
Ali và Joe có cuộc tái đấu tại Philippines tháng 10-1975, được mệnh danh là “Cơn địa chấn Manila”. Frazier không thể gượng dậy được ở hiệp 15, cũng là hiệp đấu cuối cùng.
“Trận đấu giữa rừng già" với George Foreman năm 1974
Ali sau đó 6 lần bảo vệ thành công đai vô địch trước khi để thua điểm Leon Spinks vào tháng 2-1978. Cuối năm, ông đòi lại được đai vô địch, trả được món nợ thất bại ở chung kết hạng bán trung ở Thế vận hội 1976. Sự nghiệp lừng lẫy của Ali khép lại lần lượt bằng 2 trận thua trước Larry Holmes năm 1980 và Trevor Berbick năm 1981, một kết cục đáng tiếc mà nhiều người cho rằng ông có thể tránh được nếu tuyên bố giải nghệ từ rất lâu trước đó.
Muhammad Ali châm đuốc Thế vận hội 1996
Không lâu sau khi nghỉ thi đấu, sức khỏe của Ali diễn biến theo chiều hướng xấu. Hậu quả của những lần lãnh đòn vào đầu và các vùng cơ thể quan trọng được coi là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh Parkinson, ông bắt đầu nói năng rất khó khăn, diễn đạt không như mong muốn. Dù vậy, ông vẫn thường xuyên xuất hiện trước đám đông và ở đâu, ông cũng nhận được sự chào đón nồng hậu.
Muhammad Ali năm 2012
Muhammad Ali được vinh dự châm ngọn đuốc lên đài lửa Thế vận hội 1996 tại Atlanta, Mỹ và tham gia lễ rước lá cờ Olympic tại lễ khai mạc Thế vận hội London 2012.
* Thành tích sự nghiệp Muhammad Ali:
+ HCV Olympic 1960 hạng bán nặng.
+ Chuyển sang thi đấu nhà nghề năm 1960.
+ Vô địch hạng nặng thế giới các năm 1964, 1965, 1966, 1967, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978 và 1979.
+ Giành 61 đai vô địch, với 56 trận thắng (37 bằng knock-out), 5 trận thua five (1 do bỏ cuộc)
+ Được tạp chí Sports Illustrated trao tặng danh hiệu “Thể thao gia của thế kỷ XX” và hãng thông tấn BBC cũng tặng ông danh hiệu “Thể thao gia vĩ đại của thế kỷ”.
Bình luận (0)