Do đầu gối còn nhiều dịch và sưng to nên dự kiến phải 1-2 ngày nữa, trung vệ Trần Đình Trọng mới có thể chụp cộng hưởng từ để xác định mức độ chấn thương của đầu gối trái. Chính vì vậy mà chiều 1-6, sau khi cùng CLB Hà Nội trở về sân bay Nội Bài, Đình Trọng đã trực tiếp gặp HLV Park Hang-seo để nói lời chia tay đội tuyển, đồng thời nghe dặn dò từ bác sĩ Choi Ju-yong.
Xem lại tình huống quay chậm của truyền hình về pha chấn thương của trung vệ Đình Trọng, giới chuyên môn đều lo ngại khả năng tổn thương dây chằng của tài năng trẻ chủ lực ở hàng thủ tuyển Việt Nam. Theo bác sĩ Trương Công Dũng, nguyên Tổng Thư ký Hội Y học thể thao TP HCM, người từng được HLV Hoàng Anh Tuấn mời lên chăm lo y tế cho đội tuyển U20 Việt Nam tham dự VCK World Cup U20 tại Hàn Quốc năm 2017, chấn thương của trung vệ Đình Trọng có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân: "Theo cơ chế chấn thương như vậy thì có thể Đình Trọng đã bị đau từ trước hoặc cũng có thể bắt nguồn từ việc thể trạng cậu ấy đã bị mỏi mệt. Khi chân bị đau hoặc các cơ bị mỏi mệt thì có thể dẫn đến phản xạ đặt chân trụ không đúng khi thân trên xoay trở, dẫn đến tổn thương".
Đình Trọng (phải) chờ thêm 1-2 ngày mới xác định được chấn thương của gối trái Ảnh: Hải Anh
Nhiều năm chữa trị chấn thương thể thao cho hàng ngàn VĐV, cầu thủ cũng như người chơi thể thao phong trào, bác sĩ Trương Công Dũng cho rằng Đình Trọng đã có dấu hiệu quá tải. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mỏi cơ như quá tải, chăm sóc y tế chưa đầy đủ, dinh dưỡng không được chú trọng, thể lực không bảo đảm... Tuy nhiên, trường hợp của Đình Trọng có thể xuất phát từ việc bị quá tải vì mật độ thi đấu dày đặc, trong khi em lại phải cống hiến cho đội tuyển rồi CLB trong một thời gian dài mà ít được cho nghỉ ngơi" - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Theo phân tích của cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, bóng đá chuyên nghiệp đem lại cho cầu thủ nhiều thứ nhưng khắc nghiệt và cay đắng. "Thứ nhất, Đình Trọng đã chữa trị rất tốt ở nước ngoài, nhưng về CLB lại không được một bác sĩ nào đủ năng lực giám sát liên tục vấn đề chấn thương của em, từ đó sẽ điều chỉnh cường độ tập luyện và thi đấu sao cho phù hợp nhất. Thứ hai, do bản thân Trọng tin vào thể lực và sự hồi phục tuyệt đối của chấn thương nên trong thi đấu, khi suy giảm thể lực thì đồng nghĩa cơ hội tái phát chấn thương rất cao mà em lại không lưu ý. Phía CLB cũng chưa có đội ngũ bác sĩ có chuyên môn sâu về chấn thương của VĐV chuyên nghiệp mà chỉ có bác sĩ thông thường, chỉ biết sơ cứu vết đứt tay. Đây chính là khoảng trống mênh mông trong y học thể thao ở Việt Nam chứ không riêng gì CLB Hà Nội" - cựu trung vệ Thể Công và HAGL chia sẻ.
Đồng quan điểm với bác sĩ Trương Công Dũng và cựu cầu thủ Mạnh Dũng, một bác sĩ nhiều năm chữa trị cho giới cầu thủ trong nước cho biết: "Do áp lực thành tích của cả tập thể và cá nhân mà các cầu thủ thường cố gắng làm quá sức mình khi đang chấn thương. Nhiều người bị đau nhưng không dám nghỉ, nói dối đội bóng và dối luôn cả chính bản thân họ vì sợ mất vị trí, mất tiền thưởng và thậm chí mất cả hợp đồng. Đó chính là sự tàn nhẫn của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng".
Thầy Park nhận sai khi dự King’s Cup
Trả lời báo chí sáng 1-6, HLV Park Hang-seo cho rằng việc để các học trò phải di chuyển trong khoảng 20 giờ để đến được Buriram tham dự King’s Cup 2019 là một sai lầm. "Tôi cứ nghĩ King’s Cup thi đấu ở Bangkok nên đã tính toán sai lầm. Các cầu thủ của tôi phải di chuyển và chờ đợi khá lâu, ảnh hưởng đến thể trạng của họ".
Sau khi tuyển Việt Nam đến Bangkok, sáng 2-6, 3 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài là Công Phượng (Hàn Quốc), Xuân Trường và Đặng Văn Lâm (Thái Lan) cũng sẽ hội quân để cùng thầy trò Park Hang-seo bay đến Buriram.
Bình luận (0)