World Cup 2022 hao hao giải đấu cách đây 20 năm cũng được tổ chức ở châu Á với những cơn địa chấn rần rần xảy ra như Pháp, Argentina, Bồ Đào Nha bị loại ở vòng bảng. Tại Qatar, các "ông lớn" như Đức, Bỉ, Đan Mạch, Uruguay sớm dừng bước; vòng 16 đội có sự hiện diện của 3 đại diện châu Á cùng 2 đại diện châu Phi… Để so sánh, World Cup 2018 tổ chức tại Nga, châu Âu và Nam Mỹ chiếm 14/16 vị trí ở vòng 16 đội, chỉ 1 đại diện châu Á góp mặt là Nhật Bản.
Vòng bảng không đội nào toàn thắng, nhiều tấm vé đến lượt cuối mới được định đoạt trong bối cảnh các đội vừa thi đấu vừa hóng kết quả của trận đấu cùng giờ cho thấy sự kịch tính tăng cao và khoảng cách về trình độ bóng đá giữa các khu vực đã được thu hẹp.
Son Heung-min và Hàn Quốc chói sáng trong lòng giới hâm mộ bóng đá (Ảnh: REUTERS)
Một vài màn quyết đấu ở lượt cuối có vẻ hơi giả tạo do các đội đã đủ điểm vượt qua vòng bảng nên cất hết dàn cầu thủ chủ chốt hoặc toan tính chọn đối thủ ở vòng sau, tạo ra các kết quả bất ngờ: Brazil thua Cameroon, Tây Ban Nha trắng tay trước Nhật Bản, còn Bồ Đào Nha bại trận dưới tay Hàn Quốc…
Một "đặc sản" của World Cup này là VAR khi chỉ mới qua vài chục trận đấu đã xuất hiện khá nhiều "lời ong tiếng ve"! Trọng tài thổi còi hết trận vẫn còn xem lại VAR, tranh cãi bóng đi hết sân chưa… Áp dụng công nghệ hiện đại thì con người vẫn quyết định công nghệ đó cho ra kết quả cuối cùng. Trọng tài VAR giờ còn to hơn trọng tài chính dù chỉ "núp" trong phòng kín, còn trọng tài chính phải nhìn ba bề bốn bên trước khi quyết định.
Nhiều nhà chuyên môn nhận xét vòng bảng có bất ngờ nhưng đến vòng đấu loại thì trật tự sẽ đâu vào đấy. Vòng tứ kết các World Cup hầu hết chỉ có các đội châu Âu và Nam Mỹ - như World Cup 2018. Tại Qatar, ai trong số các đội Úc (gặp Argentina), Nhật Bản (gặp Croatia), Hàn Quốc (gặp Brazil), Morocco (gặp Tây Ban Nha), Senegal (gặp Anh) sẽ gây bất ngờ?
Bình luận (0)