Khi nghe HLV Worrawoot Srimaka của U22 Thái Lan động viên học trò trước trận đấu rằng U22 Việt Nam sẽ tự thua vì ra sân nhưng trong đầu không nghĩ đến chiến thắng mà chỉ nghĩ đến HCV SEA Games, không ít người Việt cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, thật cay đắng khi dự báo đó lại trở thành sự thật. Dù HLV Hữu Thắng có đến 24 giờ để làm công tác tư tưởng nhưng ông bất lực.
Đỉnh điểm của tâm lý căng cứng mà các cầu thủ U22 Việt Nam biểu hiện chính là tình huống đá phạt đền không thành của Công Phượng. Vốn là mẫu cầu thủ thích phô diễn kỹ thuật, chưa bao giờ Công Phượng dốc toàn lực khi đá phạt đền mà thường chỉ tìm cách đánh lừa thủ môn. Tuy nhiên, trong tình thế phải tìm được bàn rút ngắn tỉ số, Công Phượng đã không còn là chính mình, dẫn đến việc gồng người sút bóng căng vọt xà.
Hậu vệ Văn Thanh truy cản pha tấn công của cầu thủ U22 Thái Lan ở trận vòng bảng quyết định Ảnh: Quang Liêm
Nhìn các cầu thủ U22 Việt Nam không còn là chính mình khi đá với Thái Lan, nhiều đàn anh như Phạm Thành Lương, Quốc Vượng và các HLV Lê Thụy Hải, Trần Minh Chiến đã phải thốt lên "thua ngay từ đầu vì tâm lý". Là người trong giới, không ai muốn trách thầy trò Hữu Thắng bởi đơn giản, chính họ cũng từng phải trải qua trạng thái tâm lý đó rất nhiều lần trong 22 năm qua. Sự căng cứng đã rất nhiều lần biến các đời thủ môn, hậu vệ hay thậm chí là tiền đạo giỏi của bóng đá Việt Nam liên tiếp mắc sai lầm tai hại.
Theo bác sĩ Trương Công Dũng, người từng làm việc cùng đội tuyển U20 Việt Nam tại VCK World Cup U20 2017 ở Hàn Quốc, không bàn đến yếu tố chiến thuật hay con người, chỉ phân tích ở khía cạnh y học cũng thấy chuyên môn chịu tác động không nhỏ từ trạng thái tâm lý. "Không phải ngẫu nhiên mà HLV Hoàng Anh Tuấn và Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede mất rất nhiều thời gian, tâm sức để làm công tác tư tưởng cho đội U20. Một đội bóng ra sân thi đấu mà tâm lý căng cứng, nặng nề thì phong độ đã giảm còn 60%, ngược lại đối thủ sẽ mạnh lên 100%, như vậy càng khó đá" - ông nhận xét.
Bác sĩ Dũng cho biết khi sang Hàn Quốc chuẩn bị đá World Cup, sau trận giao hữu với Vanuatu bị cầm hòa 0-0, các cầu thủ U20 Việt Nam căng thẳng, lo lắng cực độ. Họ co cụm lại thành từng nhóm, mỗi nhóm có một "đội trưởng" riêng, làm gì cũng chỉ đi với nhau.
"Anh Tuấn biết chuyện, đã bàn với ông Gede nhưng cũng phải loay hoay mãi, tìm đủ mọi cách mới giúp các em cân bằng lại được tâm lý, đến trận ra quân với New Zealand thì hoàn toàn tự tin, hưng phấn. Đó là điều may mắn cho U20 Việt Nam vì thực tế, chúng tôi cũng không có bác sĩ chuyên về tâm lý nên thực sự rất bối rối" - bác sĩ Dũng bày tỏ.
Khi còn dẫn dắt U19 Việt Nam, HLV người Pháp G.Graechen từng đề xuất tìm cho đội tuyển một bác sĩ tâm lý, phụ giúp ông ổn định tinh thần học trò. Đáng tiếc là đề xuất của nhà cầm quân người Pháp, hay sau này là HLV Hoàng Anh Tuấn, vẫn là một khái niệm xa lạ với VFF. Hy vọng là sau khi HLV Hữu Thắng thừa nhận ông thất bại trong việc làm tư tưởng cho lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., VFF sẽ lưu tâm hơn đến vấn đề này.
Không nói ở khía cạnh chuyên môn, việc thiếu một bác sĩ tâm lý giỏi đã khiến bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chơi một trận quan trọng nào mà cầu thủ ra sân với tâm thế sẵn sàng, tự tin 100%. Như vậy, sắp tới, đội sẽ còn thua dài dài khi gặp Thái Lan, dù cho có thuê được HLV giỏi đến mức nào, trừ phi nhà cầm quân này cũng là bậc thầy về tâm lý như ông Calisto - HLV giúp mang về chức vô địch AFF Cup 2008 (trong đó vượt qua Thái Lan ở 2 trận chung kết lượt đi - về).
Bình luận (0)