Ngày 19-5, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi...
Hoàn thiện hạ tầng kết nối vùng
Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2060 và 13 nghị quyết khác. Trong số này, 10 nghị quyết liên quan nhiệm vụ kinh tế - xã hội, 3 nghị quyết về nhân sự.
Về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM, là cơ quan lập nội dung, UBND thành phố cho biết đồ án nhằm hoàn thiện, bổ sung hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP HCM và các địa phương lân cận với cả nước và quốc tế, cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của thành phố một cách chiến lược, trọng điểm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng, với tầm nhìn là hạt nhân của vùng TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, định hướng phát triển đô thị TP HCM dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng.
Đó là phân vùng đô thị trung tâm, gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân và một phần quận 12. Phân vùng đô thị phía Đông là TP Thủ Đức. Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc gồm 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn và một phần quận 12. Phân vùng đô thị phía Tây có phạm vi phần lớn là huyện Bình Chánh. Phân vùng đô thị phía Nam có quận 7, 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh.
Trong việc chống ngập, TP HCM chia làm 3 vùng: TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ và phần còn lại của thành phố. Với định hướng quy hoạch không gian ngầm, có 3 khu vực gồm: khu vực khuyến khích xây dựng không gian ngầm, khu vực xây dựng không gian ngầm có kiểm soát và khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm.
"Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, TP HCM phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm với sự chú trọng phát triển 17 vị trí, điển hình là vùng trung tâm mở rộng, khu đô thị lấn biển Cần Giờ...
Thông tin thêm về đồ án, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong quy hoạch lần này, thành phố tính toán khu trung tâm hiện hữu sẽ hạn chế tối đa việc phát triển mới. Không gian dọc sông Sài Gòn được chọn là động lực, điểm nhấn cho quy hoạch.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận nội dung đồ án hướng tới phát triển thành phố thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. Đồ án cũng tạo điều kiện để TP HCM thực hiện đồng bộ giải pháp giải quyết những vấn đề như dân số, nhà ở, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống
Về 10 nghị quyết liên quan nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết những nghị quyết này giúp UBND thành phố điều chỉnh đầu tư công; tận dụng thời cơ của cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng tình hình thực tiễn của thành phố.
Cụ thể là Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Nghị quyết đã điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và không còn nhu cầu sử dụng vốn với tổng số vốn điều chỉnh hơn 2.441 tỉ đồng.
HĐND TP HCM cũng thông qua nghị quyết chi 350 tỉ đồng ngân sách thành phố để nâng cao năng lực khai thác tại các tuyến đường thường xuyên gặp ùn tắc giao thông, điểm đen tai nạn giao thông.
Cùng với đó, thông qua chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo và xây dựng khối phòng học Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (quận 7) với tổng mức đầu tư hơn 108 tỉ đồng; quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Trường Tiểu học Tầm Vu (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư hơn 79,6 tỉ đồng. Hai dự án này thực hiện bằng ngân sách thành phố trong thời gian 2024 - 2027.
Chủ tịch HĐND TP HCM yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết vừa thông qua; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực của trung ương và địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng lưu ý các ban HĐND TP HCM tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong hoạt động giám sát, khảo sát, nhất là khảo sát nắm tình hình việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, đại biểu HĐND thành phố giám sát, đôn đốc các cơ quan thực hiện nghị quyết.
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND đã bầu ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM và bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hai tân Phó Chủ tịch UBND TP HCM đều có những cam kết mạnh mẽ trên cương vị mới.
Trước đó, đại biểu HĐND đã tiến hành miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND TP HCM đối với ông Ngô Minh Châu và ông Dương Anh Đức khi 2 ông được điều động, phân công nhiệm vụ mới.
Bên cạnh đó, đại biểu HĐND cũng bầu Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận làm Ủy viên UBND TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Như vậy, Thường trực UBND TP HCM hiện nay gồm Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và 5 phó chủ tịch: Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường, Nguyễn Văn Dũng, Dương Ngọc Hải, Trần Thị Diệu Thúy.
Quy định mức thu 0 đồng đối với 5 loại lệ phí
Nghị quyết về mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP HCM đã được thông qua tại kỳ họp. Theo đó, mức lệ phí 0 đồng được áp dụng đối với 5 loại lệ phí, gồm: lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
Việc này nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục cần thiết mà không cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan hành chính. Đây là 5 loại lệ phí có mức thu thuộc thẩm quyền của HĐND TP HCM.
Bình luận (0)