xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm đường nối Khánh Hòa với Ninh Thuận, Lâm Đồng

Bài và ảnh: KỲ NAM

Đường giao thông liên vùng này sẽ là động lực mới cho các huyện miền núi, phá thế độc đạo cho thủ phủ sầu riêng Khánh Sơn

Ngày 6-11, ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã thẩm tra xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa.

Sẵn sàng xây dựng

Dự án này nhằm kết nối tỉnh Khánh Hòa với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Đường giao thông liên vùng có tổng chiều dài 56,7 km, trong đó có gần 27 km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh và gần 30 km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn. Tuyến đường chia làm 3 đoạn, gồm: đoạn 1 dài 12 km chủ yếu là nâng cấp, mở rộng đường cũ ở huyện Khánh Vĩnh; đoạn 2 dài 30 km đi qua khu vực rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, có địa hình đồi núi cao, hiểm trở; đoạn 3 có chiều dài 14,7 km chủ yếu là nâng cấp, mở rộng đường cũ ở huyện Khánh Sơn. Điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) đi Lâm Đồng; điểm cuối tại kết nối với đường tỉnh ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận).

Đây là loại đường cấp III miền núi, có bề rộng 9 m, 2 làn xe, không có dải phân cách giữa; được thiết kế tốc độ 60 km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn 40 km/giờ. Tuyến đường sử dụng 145,8 ha, trong đó có 75 ha là đất rừng; làm mới 15 cầu, nâng cấp 2 cầu. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.930 tỉ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành hết năm 2027.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã được BQL Dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Khánh Hòa ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng cộng 211 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án, trong đó tái định cư tại chỗ 11 hộ. Các đơn vị đã đo đạc, kiểm đếm và lập hồ sơ di dời cơ sở hạ tầng, đóng mốc giải phóng mặt bằng. Ban này cũng đã nộp hơn 19,6 tỉ đồng tiền trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

BQL đã hoàn thành lựa chọn và tổ chức ký hợp đồng với nhà thầu xây lắp và nhà thầu đã thi công các công trình như: nhà điều hành, lán trại, tập kết vật tư, phương tiện sẵn sàng thi công. "Dự kiến dự án sẽ triển khai đoạn 1 và đoạn 2 trong tháng 11 này. Hai đoạn đường này khi hoàn thành thì người dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh sẽ sử dụng được ngay để đi lại. Chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng cầu Ko Róa (hiện là cầu tràn) ở Khánh Sơn để tránh tình trạng chia cắt khi mùa lũ về. Riêng 30 km đi qua khu vực rừng núi, sát với Khu bảo tồn Hòn Bà, chúng tôi đang rà soát kỹ để giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng đến diện tích rừng, hệ sinh thái nơi đây" - ông Hòa nói.

Thêm đường nối Khánh Hòa với Ninh Thuận, Lâm Đồng- Ảnh 1.

Tuyến đường liên vùng phá thế độc đạo sẽ góp phần giúp Khánh Sơn phát triển

Phá thế độc đạo

Ông Cao Việt (thôn Giang Mương, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) vui ra mặt khi nghe tin con đường sắp khởi công xây dựng. "Người đồng bào Raglai 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh từ lâu đã ao ước có con đường kết nối. Có đường cho bà con đi lại thì việc buôn bán, học hành, chăm sóc sức khỏe thuận lợi hơn" - ông Việt bộc bạch.

Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, đối với đồng bào dân tộc Raglai, tuyến đường liên vùng không chỉ giúp kết nối hai huyện miền núi Khánh Sơn - Khánh Vĩnh mà còn kết nối cả 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Tuyến đường không chỉ tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế mà còn giúp giao lưu văn hóa, kết nối 2 thác nước nổi tiếng là Yang Bay (Khánh Vĩnh), Tà Gụ (Khánh Sơn)... từ đó có thể phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai.

Riêng ở Khánh Sơn, tuyến đường giao thông liên vùng có ý nghĩa rất lớn. Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết hiện toàn huyện có 2.600 ha sầu riêng với sản lượng hằng năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn. Huyện có thác Tà Gụ, điểm trekking Tà Giang, điểm săn mây đỉnh Khánh Sơn... rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, vùng sản xuất nông sản công nghệ cao nhất là sầu riêng. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác tương xứng do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Con đường duy nhất để kết nối Khánh Sơn với các vùng là Tỉnh lộ 9 hiện nhỏ hẹp, đèo dốc, cua gấp, đi lại khó khăn. Nhiều lần xe tải lớn lên thị trấn Tô Hạp bị sự cố giữa đèo, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. "Khi tuyến đường hoàn thành sẽ phá được thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Con đường này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo thuận lợi để Khánh Sơn phát triển thành vùng sản xuất nông sản quy mô lớn" - ông Dũng nói. 

Phê duyệt giá đền bù cây trồng

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Khánh Sơn, cho biết huyện đang triển khai rà soát, đo đạc, kiểm đếm khối lượng cây trồng, hoa màu của bà con bị ảnh hưởng. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cây trồng vật nuôi với mức giá cao hơn so với đề xuất trước đây. Trong đó, cây sầu riêng loại A ở mức 4,57 triệu đồng/cây, loại B là 3,8 triệu đồng/cây và loại C là 3 triệu đồng/cây.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thêm đường nối Khánh Hòa với Ninh Thuận, Lâm Đồng- Ảnh 2.

Thêm đường nối Khánh Hòa với Ninh Thuận, Lâm Đồng- Ảnh 3.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo