
Đạo diễn Hoàng Chương được đồng nghiệp, khán giả chúc mừng sau đêm diễn vở "Duyên kiếp"
Tối 19-2, đông đảo khán giả và văn nghệ sĩ đã đến Nhà hát Trần Hữu Trang xem vở cải lương tốt nghiệp Đại học Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM của nghệ sĩ Hoàng Chương.
Anh đã xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô gồm: NSND Trần Ngọc Giàu, PGS TS Trần Yến Chi, Thạc sĩ Nguyễn Phượng, Tiến sĩ Võ Yến, Thạc sĩ Trương Văn Trí, Thạc sĩ Hòa An….đã tạo mọi điều kiện để anh hoàn thành tốt 4 năm học tập.

Các nghệ sĩ tham gia vở "Duyên kiếp" của đạo diễn trẻ Hoàng Chương
Vở diễn lấy bối cảnh trải dài từ những năm 1930 đến 1960, thời điểm những định kiến phong kiến vẫn còn là ám ảnh đối với người phụ nữ. Thân phận của người phụ nữ và nông dân luôn bị chà đạpm khiến họ không thể nuôi dưỡng trọn vẹn tình yêu và chạm tay đến hạnh phúc như mong muốn.
Ở bảng dựng này, Hoàng Chương đã tạo thêm ấn tượng đẹp khi khai thác niềm khát khao về một tình yêu rất trong trẻo, nên thơ của Huệ và Thân.
Nhưng cuộc đời đã xô đẩy họ vào nghịch cảnh, họ bị cái ác khống chế, đè nén để không thể vượt qua số kiếp của chính mình.

NS Hà Như (người thứ hai từ trái sang) diễn xuất thần trong vai bà mẹ chồng của Huệ - vở "Duyên kiếp"
Vở diễn là sự thương cảm cho những số phận người nghèo khổ trong một xã hội đầy bất công, tiếc nuối cho tình yêu đôi lứa phải chia lìa, cảm thông cho người phận người lầm lạc cũng bởi số phận dồn ép.
Trên thực tế đã có nhiều phiên bản dàn dựng về "Duyên kiếp" của soạn giả Hoàng Song Việt, nhưng khán giả thích thú vì một đạo diễn trẻ đã hình thành một đường dây toát lên vẻ đẹp giản dị nhưng sâu sắc của câu chuyện.
Ở đó, sự ích kỷ, lòng tham, cái ác không chỉ gây ra biết bao bất hạnh đớn đau cho những người xung quanh mà chính bản thân kẻ gây ác cũng không thoát khỏi sự quả báo.
Nghệ sĩ Hà Như (vợ của NSƯT Lê Tứ) đã thế vai bà mẹ chồng cai nghiện của Huệ do NSƯT Tú Sương vì lý do sức khỏe đã không thể diễn, thế nhưng cô đã thể hiện xuất thần, được khán giả tán thưởng.

NS Hà Như và Lê Thanh Thảo đã tạo dấu ấn đẹp cho vở "Duyên kiếp"
Điều bất ngờ hơn là những diễn viên thể hiện gồm: Nhã Thy, Minh Trường, Nguyễn Văn Hợp, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Kim Luận, Thanh Phong, Bá Thành, Trọng Hiếu… đã có nhiều sáng tạo mới, để mỗi vai diễn mang lại cho vở thông điệp rất rõ:
Sau những bi kịch, tội ác có những hạt mầm nẫy nở từ tính thiện và lòng yêu thương. "Duyên kiếp" truyền tải tính nhân văn: trả món nợ ân tình không bao giờ muộn.

Bối cảnh nông thôn Nam Bộ được tái hiện rất đẹp trong vở "Duyên kiếp"
Đây là kịch bản cải lương văn học nổi tiếng của soạn giả Hoàng Song Việt, đã từng đem về doanh thu lớn cho nhiều đoàn hát thập niên 90 khi NSƯT Vũ Linh qui tụ dàn diễn viên ngôi sao thực hiện chương trình "Hội ngộ tài năng" đã từng tạo tiếng vang tại rạp Đại Đồng.
Vở "Duyên kiếp" qua bảng dựng mới với phần âm nhạc thấm đẫm chất trữ tình đã phản ảnh một xã hội với những định kiến gay gắt và bất công đối với người phụ nữ.
Song họ đã vươn lên vị thế cao đẹp để khắc họa giá trị của lòng thủy chung mà người phụ nữ Việt Nam luôn gìn giữ.
Bình luận (0)