Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-7.
Danh sách công bố của các ngân hàng đến nay bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV. Trước đó, một loạt ngân hàng khác cũng hé lộ những cổ đông lớn sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng như VPBank, LPBank, HDBank, OCB, MSB, VIB, Eximbank…
Tiếp sau quy định nói trên, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất dự thảo thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định - theo Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) - xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có thay đổi về tỉ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người liên quan; thay đổi cách xác định người liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp. Do đó, việc ban hành dự thảo thông tư là cần thiết, cũng là để xử lý các khó khăn vướng mắc đã phát sinh trong thực tiễn.
Dự thảo thông tư có điểm đáng chú ý, là cổ đông, cổ đông và người liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức, cho đến khi bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.
"Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người liên quan của các cổ đông đó.
Cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định" - dự thảo thông tư nêu rõ.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, cổ đông và người liên quan được phép nắm giữ 15% vốn điều lệ thay vì 20% như luật trước. Nếu nhóm này đã sở hữu cổ phần theo quy định trước ngày 1-7 thì vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Người liên quan theo định nghĩa tại Khoản 24, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đối với cá nhân, người liên quan sẽ gồm vợ/chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại…
Bình luận (0)