Ngày 10-7, Báo Người Lao Động phối hợp với BHXH Khu vực XXVII tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: "BHYT - Bảo vệ sức khỏe, vững bước tương lai". Chương trình thu hút đông đảo người dân quan tâm, đặt câu hỏi xoay quanh những điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
Mở rộng đối tượng được BHYT chi trả 100%
Trong số gần 70 câu hỏi mà chương trình nhận được, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến những thay đổi cụ thể trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, nhất là các quyền lợi mới mà người tham gia sẽ được hưởng từ ngày 1-7, khi luật bắt đầu có hiệu lực.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn (tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi: "Từ ngày 1-7, theo Luật BHYT mới, người dân sẽ được mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) như thế nào? Người dân có thuận lợi hơn khi KCB ở nơi khác với chỗ đăng ký ban đầu không?".
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc Nguyễn Tuấn, bà Nguyễn Hoàng Lan Anh, Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, cho biết luật mới mở rộng đáng kể phạm vi và mức hưởng BHYT. Người dân sẽ được Quỹ BHYT trả chi phí cho các hình thức KCB từ xa, khám tại nhà và y học gia đình - những dịch vụ ngày càng cần thiết với người cao tuổi, bệnh nhân mạn tính hoặc cư trú ở vùng sâu, vùng xa.
Người mắc bệnh hiếm gặp, bệnh hiểm nghèo hoặc cần can thiệp kỹ thuật cao sẽ được chuyển thẳng đến tuyến chuyên sâu mà không cần qua tuyến dưới. "Nếu thuộc danh mục 62 nhóm bệnh do Bộ Y tế ban hành, người bệnh sẽ được BHYT trả 100% chi phí điều trị. Điều này giúp người bệnh giải tỏa áp lực chi phí, an tâm chữa trị bệnh" - bà Lan Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số đối tượng yếu thế cũng được hưởng toàn bộ chi phí KCB BHYT. Đó là những người từ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất; người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo cư trú tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hoặc trợ cấp xã hội theo quy định pháp luật.

Các chuyên gia thuộc BHXH Khu vực XXVII trả lời thắc mắc của người dân tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ vậy, luật mới cũng bổ sung nhiều quyền lợi dành cho người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, giúp hàng triệu người dân trên cả nước được hưởng lợi. Cụ thể, người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục (gián đoạn không quá 90 ngày), có tổng số tiền cùng chi trả trong năm vượt quá 6 lần mức tham chiếu thì được Quỹ BHYT trả 100% chi phí KCB BHYT theo quy định.
Điểm mới đáng chú ý khác của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là mở rộng nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Đó là các chủ hộ có đăng ký kinh doanh; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian, hợp đồng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác mà nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; nhân viên y tế cấp cơ sở; người trong lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cấp cơ sở; thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng và công an (không thuộc nhóm trước đó)...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia - BHXH Khu vực XXVII, việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT bắt buộc là nhằm mở rộng độ bao phủ; đồng thời động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng đối với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Bên cạnh việc mở rộng quyền lợi và đối tượng tham gia BHYT, luật mới cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Đây là điều mà hầu hết người tham gia BHYT đều quan tâm.
Bà Phạm Thị Bích Vân, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia - BHXH Khu vực XXVII, nhận xét điểm nổi bật là việc xóa bỏ quy định phân tuyến và rào cản "địa giới hành chính". Người dân không còn cần đăng ký nơi KCB ban đầu hay xin giấy chuyển tuyến mà có thể KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào có ký hợp đồng với BHXH, vẫn được Quỹ BHYT chi trả đầy đủ theo quyền lợi. Quy định mới này đặc biệt thuận lợi cho NLĐ thường xuyên di chuyển hoặc làm việc xa nơi cư trú.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Thẻ BHYT sẽ được tích hợp vào ứng dụng VssID và nền tảng định danh điện tử VNeID, thay thế hoàn toàn thẻ giấy. Dữ liệu KCB được liên thông giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH, giúp giảm sai sót, minh bạch chi phí và rút ngắn thời gian xử lý. Người dân có thể thực hiện các thủ tục như đề nghị cấp lại, khôi phục thẻ BHYT hoặc thanh toán qua hình thức trực tuyến mà không cần đến cơ quan BHXH như trước.
"Nhìn chung, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2024 không chỉ nâng cao mức hưởng, mở rộng phạm vi chi trả mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, từng bước hoàn thiện hệ thống BHYT hiện đại, minh bạch và thân thiện hơn với người tham gia" - bà Vân nhận định.
Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, luật mới cũng siết chặt các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Bà Vân cho biết luật mới quy định đối với hành vi chậm đóng BHYT cho NLĐ, người sử dụng lao động phải nộp đủ số tiền còn thiếu, nộp lãi chậm đóng ở mức 0,03%/ngày; hoàn trả toàn bộ chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT do chậm đóng BHYT. Người sử dụng lao động còn có thể bị xử phạt hành chính theo mức độ vi phạm.
Trường hợp trốn đóng BHYT cho NLĐ, người sử dụng lao động phải nộp đủ số tiền còn thiếu, nộp lãi chậm đóng ở mức 0,03%/ngày; hoàn trả toàn bộ chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT do chậm đóng, trốn đóng BHYT. Người sử dụng lao động cũng có thể bị xử phạt từ 1 đến 40 triệu đồng; đồng thời không được xét danh hiệu thi đua, khen thưởng trong năm.
"Doanh nghiệp cần lưu ý những điểm mới về trách nhiệm đóng BHYT cho NLĐ từ ngày 1-7, như: hỗ trợ NLĐ thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu; công khai minh bạch các khoản trích nộp BHYT của NLĐ trên bảng lương..." - bà Vân nhấn mạnh.
Nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý
Nhiều bạn đọc quan tâm đến việc sử dụng căn cước công dân khi KCB BHYT. Bạn đọc Hoàng Hướng đặt câu hỏi: "Việc sử dụng căn cước công dân khi KCB BHYT có những thuận lợi gì mới?".
Bà Trương Thanh Phương, Phó trưởng Phòng Chế độ BHXH - BHXH Khu vực XXVII, cho biết việc sử dụng căn cước công dân gắn chip khi KCB BHYT mang lại nhiều thuận lợi như: thủ tục nhanh gọn, giảm giấy tờ, người dân không còn lo quên thẻ BHYT và hạn chế được rủi ro mất thẻ.
Ngoài ra, việc này còn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí và phòng chống gian lận trong KCB BHYT. Bên cạnh lợi ích cho người dân, việc chuyển đổi này còn giúp các cơ sở y tế và cơ quan BHXH quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, giảm thiểu sai sót, chống trục lợi Quỹ BHYT và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế.
Hướng tới hệ thống y tế hiện đại, công bằng
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là việc Bộ Y tế được giao thêm trách nhiệm rà soát, cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị, để bảo đảm tính thống nhất trong KCB và thuận tiện trong thanh toán BHYT. Các cơ sở y tế cũng được khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là liên thông dữ liệu và sử dụng kết quả cận lâm sàng giữa các bệnh viện. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giúp giảm lãng phí, tránh trùng lặp xét nghiệm, tối ưu hóa chi phí KCB.
Luật mới cũng quy định nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng trong việc xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi chi trả của BHYT. Việc này nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và nhất quán trong áp dụng, tránh tình trạng tùy tiện hoặc không đồng bộ giữa các tuyến điều trị.
Bên cạnh đó, luật mới còn bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử, cũng như kiểm toán báo cáo quyết toán của cơ quan BHXH hằng năm, tạo sự đồng bộ với Luật BHXH, đồng thời nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý quỹ.
Các điều chỉnh nêu trên nhằm khắc phục những tồn tại kéo dài trong suốt 15 năm thực thi Luật BHYT, từ đó hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia.
Bình luận (0)