Bốn năm trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp ba, tôi ấp ủ trong tim ước mơ bước chân vào giảng đường ĐH với ngành học mà mình đam mê cùng một niềm tin vào tương lai của một ngành học mới – Quản trị Bệnh viện. Đặt bút viết tên Trường ĐH Hùng Vương vào hồ sơ tuyển sinh, rồi hạnh phúc vỡ oà khi tên mình được nằm trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng một, thật sự hào hứng vì ĐH Hùng Vương là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên ngành Quản trị Bệnh viện dù đó chỉ là một trường ĐH ngoài công lập – vốn còn khá nhiều định kiến dành cho sinh viên học những trường này. Nhưng tôi tin với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, với niềm đam mê, cùng tâm huyết của những giảng viên mang tôn chỉ bất vụ lợi “Khoa học – Phát triển – Đạo đức”, những định kiến ấy sẽ dần được thay đổi.
Bốn năm trước, Sài Gòn đón cô sinh viên tỉnh lẻ, mang trong tim ước mơ mang tấm bằng cử nhân Quản trị Bệnh viện. Nhưng ai có thể lường được bốn năm sau, cô sinh viên ấy chỉ còn một chặng cuối để hoàn thành ước mơ của mình đang đứng trước khó khăn đầu đời vì những “tranh chấp của người lớn”, vì những mâu thuẫn mà đến giờ vẫn còn ngơ ngác không hiểu nội tình. Bắt đầu vào năm học thứ hai, nghe loáng thoáng những thông tin không tốt về trường, chưa kịp hiểu thêm thì bất thình lình chúng tôi nhận được tin trường bị ngưng tuyển sinh vì “mâu thuẫn nội bộ chưa được giải quyết”, lúc này, sinh viên chúng tôi bắt đầu cảm thấy có chút lo lắng cho tương lai của mình, nhưng trong chúng tôi vẫn có lòng tin rằng trường sẽ vượt qua khó khăn và ổn định.
Khoá luận tốt nghiệp là đứa con tinh thần sau những tháng ngày thực tập tích lũy kinh nghiệm, là kết tinh kiến thức những năm ngồi ghế giảng đường, chúng tôi chăm chút từng chi tiết nhỏ để “đứa con” của mình được ra đời hoàn hảo nhất…và giờ đây, điều mong mỏi nhất chính là được đứng trước Hội đồng, “khoe” đứa con của mình. Thế nhưng, chúng tôi đã phải chờ đợi quá lâu và đến thời điểm hiện tại cũng chưa thực hiện được cái quyền mà chúng tôi đáng được hưởng đó.
Giờ đây tâm trạng của chúng tôi không còn có thể diễn tả bằng lời, cũng không biết có thể dùng ngôn từ nào lột tả được. Đó không còn là “mất niềm tin” khi giờ đây không còn niềm tin để mất nữa; không thể là “ấm ức” khi những uất nghẹn giờ đã quá nhiều. Chúng tôi đã trải qua hàng loạt cung bậc cảm xúc, từng hi vọng – thất vọng – hi vọng và giờ đây khi đã có quá nhiều “kinh nghiệm” chúng tôi đang dần trở nên vô cảm.
Những ngày gần đây, các cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc, chúng tôi khấp khởi hi vọng một kết thúc có hậu sẽ đến với mình. Thấp thỏm hóng tin, tôi vẫn hi vọng một phép màu sẽ xuất hiện. Nhưng dường như sự việc đang dần trở nên rối rắm và tệ hại hơn. Cái kết thúc mà mọi người cho là có hậu, cái phương án được cho là đền bù xứng đáng, là xoa dịu những tổn thương chúng tôi đã phải chịu trong thời gian qua có thực sự “có hậu” có thật sự “xứng đáng” khi giờ đây chúng tôi phải sang thi nhờ, thi đậu ở trường người ta mà không phải là ngôi nhà mà chúng tôi đã gắn bó, đã đổ biết bao tâm huyết trong suốt hơn bốn năm qua. Nhưng chúng tôi có thể làm gì khác hơn: “tự nguyện” bước đi trên con đường mà “người có tâm” dọn sẵn hay đợi chờ trong vô vọng? Chúng tôi cảm thấy thật sự tổn thương khi quyền lợi bị chà đạp, tương lai bị đem ra đánh cược và trở thành những con rối mặc nhiên bị người khác sắp đặt, lợi dụng. Tôi đã thực sự đau lòng và hụt hẫng khi đối mặt với những “người có tâm” ấy, họ nói họ thương chúng tôi, họ nói rằng họ làm tất cả vì chúng tôi, họ nói chúng tôi không có tội tình gì, họ nói… rất nhiều, nhưng hãy nhìn những gì họ đã làm cho chúng tôi, họ đặt chúng tôi vào tình thế dở khóc dở cười thế này, họ đã làm cho con bé không bao giờ khóc vì giận này phải nức nở.
Không phải chúng tôi sợ phải thay đổi môi trường, chúng tôi tin năng lực của mình, tin vào những kiến thức đã được đào tạo, chúng tôi không hề rụt rè vì đề thi hay cách thức phản biện của Hội đồng mà cái chúng tôi sợ, cái chúng tôi thật sự né tránh đó là ánh mắt soi mói, cái nhìn không thiện cảm, sự khinh rẽ của sinh viên trường bạn, chê cười rằng “sinh viên Hùng Vương hết thời rồi, phải cùng đường thi nhờ, thi đậu trường mình đó tụi bay...”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, kết quả thi của chúng tôi! Còn các Thầy, Cô? Họ nghĩ sao? Họ sẽ nhìn chúng tôi – những đứa con rơi buộc lòng phải nhận – với ánh mắt gì? Giả như chúng tôi nhận được sự bao dung, tấm lòng thương yêu bao bọc của các thầy cô trường mới thì đâu đó chúng tôi vẫn mang trong mình những mặc cảm, tự ti vì trở thành “những đứa con bị đem bỏ chợ”. Chúng tôi có được “vinh dự” tốt nghiệp như các bạn sinh viên khác không?
Chúng tôi buồn và thất vọng một thì ba mẹ chúng tôi đau gấp ngàn lần. Nuôi con chỉ chờ ngày con khôn lớn, chờ được nhìn con bước lên bục cao nhất, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, khoác lên người bộ lễ phục và mãn nguyện nở nụ cười lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất ấy. Nhưng giờ đây, mong mỏi nhỏ nhoi ấy của ba mẹ dường như trở nên quá xa xỉ.
Có ai hiểu cho nỗi lòng chúng tôi? Có ai đặt mình vào vị trí của chúng tôi để cảm nhận những nỗi đau đó?
Bình luận (0)