Không chỉ thương mại điện tử Việt Nam mà ngành bán lẻ truyền thống cũng chao đảo trước sự đổ bộ của các sàn giá rẻ của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao, 1688...
Trong 2-3 tuần gần đây, người tiêu dùng Việt Nam xôn xao trước sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu. Háo hức với chương trình giảm giá lên đến 90% cùng chính sách giao hàng miễn phí, nhiều người đã tải ứng dụng Temu để trải nghiệm.
Tưởng "siêu" rẻ, hóa ra...
Sắp đến mùa đông nên chị Trần Hạnh Nguyên (Hà Nội) quyết định đặt mua chiếc áo khoác với giá 450.000 đồng trên sàn Temu, giảm hơn một nửa so với giá gốc 1,1 triệu đồng. Chị phải thanh toán trước bằng thẻ tín dụng bởi sàn này chưa hỗ trợ liên kết với các ví điện tử phổ biến khác mà chị thường dùng. Thời gian nhận hàng dự kiến là sau 6 ngày.
"Nếu so sánh với sàn khác thì giá của Temu không rẻ hơn, thậm chí nếu không áp mã giảm giá sẽ đắt hơn. Chưa kể, sàn không cho phép thanh toán khi nhận hàng nên cũng lo rủi ro" - chị Nguyên so sánh.
Anh L.H.P (TP HCM) kể khi truy cập vào sàn Temu, anh được mời chào quay trúng thưởng và đã trúng gói giảm giá 490.000 đồng cho lần mua hàng đầu tiên. Dạo sàn này hơn nửa tiếng, anh P. chốt ngay 9 đơn hàng, gồm dép, ví, áo thun, tủ quần áo... với tổng hóa đơn gần 2 triệu đồng (đã giảm 60%) và phí vận chuyển 0 đồng.
"Tôi đặt đơn ngày 10 nhưng đến ngày 19-10 mới giao hàng đến tay. Kiện hàng được đóng gói không cẩn thận nên hàng bị móp méo, sản phẩm không như kỳ vọng dù được đánh giá gần 5 sao trên sàn" - anh P. phản ánh.
Chưa kể, do hàng hóa được đặt từ nhà cung cấp Trung Quốc nên tài liệu hướng dẫn sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Trung, anh P. không đọc được và cũng chưa biết cách trả hàng. "Tiếc nhất là khi so sánh với các sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop, đơn hàng này đắt hơn đến 300.000 đồng. Temu khiến người mua rơi vào "ma trận" giảm giá nhưng thực tế giá không hề rẻ" - anh P. nhận xét.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các sàn TMĐT Temu, 1688, Taobao hay Shein, các sản phẩm bán chạy không có giá "siêu rẻ" như quảng cáo; chỉ có một số mặt hàng thời trang, phụ kiện có giá rẻ hơn 10%-15% so với hàng trong nước nhưng chưa rõ chất lượng ra sao. Còn với các mặt hàng mà Việt Nam đang sản xuất như nồi, chảo, bếp từ, giày dép..., giá bán của hàng hóa trên sàn Trung Quốc lại đắt hơn đáng kể.
Thao túng tâm lý người mua
TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), cho hay đã trải nghiệm các sàn TMĐT của Trung Quốc như Temu, Shein... và nhận thấy cách gợi ý, thúc đẩy khách hàng "chốt đơn" khá giống nhau. Đó là cách đánh vào tâm lý "mua nhanh không hết", thích ưu đãi "khủng" của người tiêu dùng.
"Temu có thể "gây sốc" với đối thủ Amazon ở thị trường Mỹ, châu Âu vì đánh vào phân khúc giá quá rẻ mà Amazon bỏ qua. Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng đã quen mua hàng giá rẻ trên sàn" - TS Thủy nêu quan điểm.
Theo TS Thủy, sàn TMĐT nào khi khai phá thị trường mới đều trải qua giai đoạn "đốt tiền". Chiến lược này có thể giúp Temu thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt, khi Shopee đang chiếm tới 70%-80% thị phần. Tuy nhiên, hết giai đoạn "đốt tiền", sức nóng của Temu sẽ giảm, nhất là khi sàn này chỉ bán hàng Trung Quốc, kém đa dạng hơn một số sàn trong nước.
Theo các chuyên gia TMĐT, Temu dù có thể cạnh tranh khá mạnh với các sàn đang hoạt động ở Việt Nam nhưng sẽ không dễ dàng đánh bại. Bởi lẽ, sàn này không phải là nơi để nhà bán lẻ Việt Nam bán hàng, mà là sân chơi của các xưởng và nhà sản xuất với giá cả cạnh tranh và đáp ứng một số vấn đề pháp lý. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu mua sắm online đa dạng; có thói quen lựa chọn và so sánh giá, tính năng sản phẩm trên một số sàn trước khi quyết định mua sắm. Bên cạnh đó, lợi thế hàng hóa phong phú với nguồn gốc cả trong và ngoài nước, thanh toán thuận lợi bằng các ví điện tử và thẻ ngân hàng nội địa... sẽ vẫn là ưu thế của các sàn trong nước.
Với kinh nghiệm nhập hàng từ xưởng sản xuất của Trung Quốc thông qua mạng WeChat, chị Trà My, người bán hàng online ở TP Hải Phòng, nhận xét hàng hóa trên Temu không thể rẻ hơn xưởng sản xuất. Theo chị, người dùng ồ ạt rủ nhau cài app Temu phần lớn là bị hấp dẫn bởi tỉ lệ hoa hồng của chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) mà sàn tung ra.
"Tôi đã gửi email đến sàn Temu để đăng ký gia nhập cộng đồng người bán trên sàn này và đang chờ phê duyệt. Nhưng nếu lên sàn chỉ bán hàng Trung Quốc thì người bán ở Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh, người mua cũng không thích" - chị My cho hay.
Phải nhanh chóng ứng phó!
Trước làn sóng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ theo chân các sàn bán lẻ xuyên biên giới đổ bộ thị trường Việt Nam, TS Đào Cẩm Thủy cho rằng cần có chính sách để doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh, thay vì bảo hộ theo cách cấm TMĐT nước ngoài, như cách của Indonesia. Cụ thể, cần chiến lược thúc đẩy phát triển sản phẩm "made in Vietnam" trên các nền tảng nước ngoài như nông sản, nguyên liệu thuần tự nhiên, sản phẩm thời trang phù hợp với người Việt... nhằm tận dụng nền tảng nước ngoài để bán sản phẩm Việt Nam.
Về chính sách thuế, theo TS Thủy, các sàn TMĐT xuyên biên giới rất khôn ngoan khi tạo ra những đơn hàng nhỏ để né thuế. Do đó, Việt Nam không thể duy trì chính sách miễn thuế GTGT với đơn hàng dưới 1 triệu đồng. "Sản xuất trong nước bị áp thuế thì không có lý do gì nước ngoài không bị áp thuế. Cơ quan quản lý cần nhanh chóng có chính sách ứng phó" - bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Tình, Giám đốc Công ty TNHH Cainver, cũng lo ngại các biện pháp thu thuế, quản lý như thời gian qua vẫn chưa đủ để giúp bán lẻ trong nước giảm sức ép. "Các đơn vị sản xuất trong nước bắt buộc phải sản xuất hàng hóa khác biệt, nổi bật để có chỗ đứng, không nên chạy theo xu hướng mua hàng giá rẻ của Trung Quốc về bán lại, vì chắc chắn không thể cạnh tranh được về giá. Tuy nhiên, có thể nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc về để sản xuất để có giá thành cạnh tranh" - ông Tình gợi ý.
Theo ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng Giám đốc Kowil Fashion, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành thời trang. Doanh nghiệp thay vì cạnh tranh về giá thì nên chú trọng phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với gu thẩm mỹ và nhu cầu của người tiêu dùng.
"Sự am hiểu về văn hóa và thị hiếu địa phương giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm không chỉ bắt kịp xu hướng mà còn phản ánh lối sống và giá trị của khách hàng, từ đó xây dựng được lòng trung thành của khách" - ông Thuận nhận định.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho hay bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng. Trong đó, bộ đề xuất ban hành luật chuyên ngành về lĩnh vực này và sửa đổi Quyết định 78/2010 của Thủ tướng về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo, trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn chưa tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin sở vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương một số giải pháp quản lý TMĐT xuyên biên giới, như:
ngăn chặn, áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các website, nền tảng vi phạm quy định nhiều lần; nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong TMĐT xuyên biên giới...
Thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng trung bình 25%/năm, ước đạt 20,5 tỉ USD vào năm 2023. Số lượng người mua sắm trực tuyến vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Doanh nghiệp trong nước theo dõi sát
Khảo sát nhanh từ một nền tảng số liệu TMĐT cho thấy đa số nhà sản xuất - kinh doanh đang theo dõi diễn biến thị trường và chưa quá lo lắng về áp lực cạnh tranh.
"Người tiêu dùng Việt Nam vẫn quen thanh toán COD (giao hàng thu tiền hộ) và không sẵn sàng thanh toán trước khi mua hàng trên các nền tảng xuyên biên giới. Ngoài ra, một số sàn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nên có thể nói là chưa thực sự tham gia thị trường. Từ nay đến hết năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ chưa có sự xáo trộn lớn" - đại diện nền tảng số liệu này phân tích.
Theo các nhà bán hàng trên kênh TMĐT, các DN vẫn đang tập trung bán hàng trên 2 sàn lớn là TikTok Shop và Shopee.
Bình luận (0)