Ở nhà... dạo chợ
Lên mạng bạn sẽ có ngay thông tin của hàng chục ngàn căn nhà, khu đất đang được chào bán hoặc rao mua trên khắp cả nước trong vài giây thông qua việc nhấp chuột. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều có sàn giao dịch điện tử riêng gắn liền với thương hiệu của đơn vị mình như: diaocacb.com.vn của Công ty Cổ phần Địa ốc ACB; hoangquan.com.vn của Công ty TNHH Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân; thegioibatdongsan.com của Công ty Địa ốc Sài Gòn... Ở mỗi website này, bên cạnh những thông tin chung về thời sự (đã được thông tin trên các báo), còn có những thông tin độc quyền về dự án và nhà, đất (diện tích, tình trạng pháp lý, quy mô, giá cả...) do người dân và các doanh nghiệp ký gởi bán. Cuối năm 2006, việc Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (website: sacomreal .com) đã triển khai mô hình sàn giao dịch điện tử vào kinh doanh. Hệ thống giao dịch được kết nối qua Internet, mạng tra cứu thông tin tự động và qua điện thoại. Cánh cổng giao tiếp với thị trường nhà, đất càng rộng mở hơn cùng với sự bùng nổ của loại hình thương mại điện tử. Chỉ cần đăng ký tài khoản trên các website như: thongtinnhadat.com.vn; muabanraovat.com.vn; nhipcaunhadat.com... coi như khách hàng có thể tự đứng ra chào bán, cho thuê hoặc đưa ra các dự định muốn mua nhà, đất.
Vẫn phải “đến tận nơi, xem tận mặt”
Anh Nguyễn Ngọc Thanh (quận 3-TPHCM), “bật mí” một kinh nghiệm đã từng mua nhà thông qua mạng. Theo lời rao trên website M.: “Cần bán biệt thự mini đẹp nằm trong hẻm yên tĩnh trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10; có 4 phòng ngủ, diện tích sử dụng 120 m2; khuôn viên đất hình chữ L, giao tiếp chính chủ, giá 100 lượng vàng SJC (khoảng 1,3 tỉ đồng). Thế nhưng khi đi xem thì anh Thanh muốn té ngửa, bởi biệt thự chỉ là căn nhà phố 2 tầng có diện tích khuôn viên chưa đến 50 m2, nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chỉ đủ một xe ba gác đi qua, vào rồi ở luôn vì không nhớ đường ra. “Nếu trừ thêm lộ giới quy hoạch mở hẻm thì diện tích đất chỉ còn 35 m2. Tôi chỉ còn biết xin kiếu và chẳng bao giờ tin nổi lời “đường mật” ở trên mạng” - anh Thanh nói.
Tuy việc săn nhà, đất qua mạng khá dễ dàng nhưng do quảng cáo thường khác xa thực tế nên việc mua, bán vẫn phải thông qua sự giao tiếp giữa các bên. Theo ông Nguyễn Văn Huy, nhân viên một trung tâm giao dịch địa ốc tại quận 1-TPHCM, do tài sản giao dịch có giá trị quá lớn nên không ai dám phó thác việc đặt cọc hay mua bán chỉ thông qua mạng. Chưa hết, thói quen cũng như tâm lý của khách hàng vẫn là mắt thấy, tai nghe... trong khi đây là những yêu cầu mà sàn giao dịch điện tử chưa đáp ứng được. Dù còn nhiều hạn chế nhưng theo nhiều chuyên gia kinh doanh nhà, đất việc tham khảo các thông tin trên mạng trước khi mua, bán là hết sức cần thiết. Còn ông Trương Anh Tuấn, Công ty TNHH Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, cho rằng tận dụng ưu thế thông tin trên mạng để nắm bắt thông tin tốt hơn, vì không phải ai khi có nhu cầu mua bán hay đầu tư vào thị trường bất động sản cũng có thời gian để lùng tìm tại các sàn giao dịch thông thường hay đến tận nơi nhà, đất tọa lạc.
Các sàn giao dịch bất động sản sẽ liên thông Đó là ý tưởng của Bộ Xây dựng cũng như hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Theo ý tưởng này, sẽ xuất hiện một sàn giao dịch quy tụ các sàn giao dịch bất động sản hiện có tại Việt Nam do Bộ Xây dựng quản lý nhằm minh bạch hóa các thông tin. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), trong thời điểm bùng nổ các sàn giao dịch trên mạng như hiện nay, việc thành lập một sàn chung để khách hàng có thể tra cứu thông tin của tất cả các sàn là cần thiết. Nắm bắt nhiều thông tin thì quyết định đưa ra và lựa chọn mua bán bất động sản cũng đúng hơn. V.XUÂN |
Bình luận (0)