Trưa 9-7, giá bán vàng miếng SJC được Công ty SJC và các ngân hàng thương mại duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Giá mua vào tại một số doanh nghiệp là 74,98 triệu đồng/lượng.
Nếu tính từ vùng đỉnh 92 triệu đồng lập hồi đầu tháng 5, mỗi lượng vàng miếng SJC hiện đã giảm khoảng 15 triệu đồng. Tuy vậy, so với đầu năm, giá vàng miếng vẫn cao hơn khoảng 2,4 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 74,3 triệu đồng/lượng mua vào, 75,9 triệu đồng/lượng bán ra.
So với vùng đỉnh lịch sử sát 77 triệu đồng, giá vàng nhẫn hiện chỉ còn cách khoảng hơn 1 triệu đồng. Nếu so với hồi đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng gần 13 triệu đồng.
Thị trường vàng trong nước hiện khá trầm lắng sau các giải pháp ổn định thị trường và nỗ lực thu hẹp cách biệt với giá vàng thế giới của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,3 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích giá vàng nhẫn tăng do tác động từ giá vàng thế giới đi lên mạnh mẽ gần đây. Giá vàng nhẫn chịu tác động tăng giảm song hành từ giá vàng thế giới, còn vàng miếng SJC đang trong diện kiểm soát chặt để "bình ổn" của cơ quan quản lý nên khó tăng theo giá thế giới.
"Việc mua vàng miếng SJC lúc này sẽ khó có lời, chưa kể mua qua đăng ký online cũng không dễ. Vì vậy, người có nhu cầu có thể chọn mua vàng nhẫn với tỉ suất sinh lời cao hơn và biên độ chênh lệch giá mua vào – bán ra cũng thu hẹp hơn vàng miếng. Mua vàng thời điểm này cũng cần nắm giữ lâu dài, còn lướt sóng sẽ khó có lời và rủi ro cũng cao hơn" - ông Phương nhận xét.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, cũng nhận định với mức giá hiện tại, có thể mua vàng thời điểm này để nắm giữ lâu dài. Nhưng thực tế, việc mua vàng miếng lẫn vàng nhẫn lúc này không dễ vì nguồn cung hạn chế. Đồng thời, nếu mua vàng cần nắm giữ từ 6 tháng trở lên, còn lướt sóng sẽ có rủi ro.
Bình luận (0)