Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 28-9, một thương nhân phân phối xăng dầu cho biết chiết khấu xăng dầu được đầu mối điều chỉnh tăng lên 1.200 đồng/lít, thay vì 500 - 600 đồng/lít như trước kỳ điều hành xăng dầu ngày 26-9.
"Trước đó, chiết khấu xuống thấp khiến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thua lỗ và lo lắng kịch bản khan hiếm nguồn cung, không nhập được hàng tái diễn trở lại" - ông cho biết.
Nguyên nhân theo vị đại diện doanh nghiệp này, dự báo giá xăng dầu tăng vào kỳ điều hành 26-9 nên nhiều đầu mối "bóp" chiết khấu nhằm giữ hàng để bán sau khi giá điều chỉnh.
Đặc biệt, sự chuyển biến tích cực của thị trường xăng dầu có tác động ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn được phân giao cho cả năm 2024.
Tuy nhiên ngày 23-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 99 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Ngày 27-9, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 08 triển khai Công điện số 99 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu theo dõi thường xuyên việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên địa bàn.
Bộ Công Thương dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn) sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3 tấn.
Trong khi đó, ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm đạt hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng); tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.
Tuy nhiên trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, nhất là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải, giá vàng...
Bình luận (0)