Lê Linh Tuyền (35 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM) là một người làm kinh doanh tự do. Tuy nhiên, anh có thú vui sưu tập điện thoại cổ và cả những mẫu hiện đại có xuất xứ từ Nhật Bản. "Mình đến với điện thoại Nhật Bản vì cái sự 'độc - lạ - dị' của nó", anh Tuyền cho biết.
Anh Tuyền bắt đầu chơi điện thoại Nhật từ năm 2005. "Mình thấy ông anh trong công ty dùng điện thoại Vodafone Sharp 903sh màu trắng sữa có xoay gập khá lạ, thế là mon men lại hỏi và không hiểu sao mê cái điện thoại đó. Sau khi sở hữu nó với giá gần 10 triệu đồng, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, mình bắt đầu dấn thân vào con đường sưu tầm điện thoại Nhật", anh Tuyền kể lại.
Mẫu Sharp 903sh màu trắng (bên trái) là mẫu điện thoại Nhật đầu tiên anh sở hữu và gìn giữ nó như mới cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, anh cũng bổ sung thêm phiên bản màu đen (bên phải) vào năm 2007. Anh chia sẻ, đây chính là chiếc điện thoại anh tâm đắc không chỉ thiết kế lạ, mà còn có khả năng chụp ảnh đẹp thời bấy giờ.
"Năm 2005, rất ít điện thoại zoom quang 2x nhưng 903sh đã có. Đây cũng chính là chiếc điện thoại mình dùng chụp ảnh cưới cho mấy đứa bạn học và đến giờ chúng nó vẫn lưu album đó", anh Tuyền kể.
Màu sắc là yếu tố "gây nghiện" cho người chơi. Cùng một mẫu điện thoại, nhà sản xuất đã đưa vào rất nhiều phiên bản màu sắc khác nhau cho người dùng lựa chọn. Trên ảnh là chiếc Fujitsu f02b, chiếc điện thoại mà nhiều phụ nữ Nhật Bản rất thích.
Theo anh Tuyền, mỗi mẫu điện thoại Nhật đều có một sức hút riêng chứ không riêng gì màu sắc. Chúng không thiết kế đơn điệu như đa số điện thoại phổ thông có mặt cách đây hơn chục năm, mà đưa vào khá nhiều điểm mới lạ, như vừa gập, xoay vừa lật ngược ra sau; hay dạng gập, xoay hình chữ T như Sharp 920sh, 923sh, 932sh; hoặc lật để biến thành một laptop mini như Panasonic P01b, P04b, p07a...
Không chỉ thiết kế, điện thoại Nhật còn gây ấn tượng bởi độ bền. "Những mẫu điện thoại nội địa Nhật phải nói là có độ bền 'kinh hoàng'. Điện thoại nắp trượt, nắp gập khác dùng 1 - 2 năm là đã đứt cáp, nhưng những mẫu tương tự của Nhật dùng 10 năm vẫn không sao", anh cho biết.
Một trong những chiếc điện thoại anh Tuyền mê mẩn nhất là Vodafone McLaren Mercedes 770sh. Theo anh, máy có thiết kế tinh tế, có thể tùy biến dạng gập xoay, có màn hình phụ, camera chụp đẹp, nghe nhạc hay. Tuy nhiên, điều mà anh nhớ nhất là việc anh phân vân thế nào mua chiếc máy ở dạng Full Box (nguyên hộp và phụ kiện). Anh chia sẻ, do đây là phiên bản giới hạn, hợp tác bởi nhà mạng Vodafone, đội đua McLaren và hãng xe Mercedes danh tiếng nên việc mua nó không thuận lợi như anh nghĩ.
"Tôi từng đặt hàng một người bạn nước ngoài để mua. Lần đầu thì thiết bị không vừa ý vì ngoại hình cũ kỹ, lần thứ hải chuyển về Việt Nam thì đã bị hỏng, lần thứ ba bị hủy đơn hàng không hiểu vì sao. Đến lần thứ tư, tôi mới cầm được nó trên tay. Cảm giác khi đó thật sung sướng", anh Tuyền kể lại.
Yếu tố khiến anh Tuyền đam mê điện thoại Nhật còn đến từ công nghệ tích hợp trên từng sản phẩm. Theo anh, những tính năng như màn hình 3D xem trực tiếp, điện thoại tích hợp máy chiếu, camera zoom quang, khả năng "phân thân" (có thể tách thành 2 mảnh và kết hợp máy chiếu trình diễn), cảm biến vân tay, kết nối Wi-Fi... smartphone hiện nay mới có nhưng điện thoại Nhật đã được tích hợp từ lâu, nhưng điều khá lạ là nó chỉ được sử dụng trong nội bộ nước Nhật mà không giới thiệu ra toàn thế giới.
Ngoài ra, sự độc đáo của điện thoại nội địa Nhật còn đến từ phụ kiện của chúng. Như chiếc Amadana Nec N04a có đế sạc kiêm giá đỡ (ảnh), hay Panasonic Viera P905iTV có đế sạc, giá đỡ kiêm loa ngoài phát nhạc... Tuy nhiên, phụ kiện dành cho điện thoại Nhật tại Việt Nam không nhiều, và cũng cực kỳ khó kiếm.
Hầu hết điện thoại xưa của Nhật đều có ăng-ten thu sóng truyền hình. Theo lý giải, nhu cầu người dùng Nhật Bản về xem tivi khá cao và do đó nhà sản xuất cũng tích hợp luôn tính năng này vào điện thoại. Đồng thời, hầu hết điện thoại ở đây cũng đều có khả năng kháng nước, kháng bụi bẩn từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, tính năng này mới trở thành trào lưu trên các dòng smartphone gần đây.
Là hàng nội địa Nhật, hầu hết điện thoại đều phải sử dụng sim ghép khi về Việt Nam và đây cũng là khó khăn của anh Tuyền nói riêng và người chơi điện thoại Nhật Bản nói chung. Anh cho biết, khi mới chơi chỉ có một vài chiếc là unlock bằng soft thành freesim dùng được sim Việt Nam mà không lo mất sóng, còn lại đều phải dùng sim ghép. "Dùng sim ghép thì tình trạng mất sóng xảy ra liên tục. Thời đó dùng sim ghép đi từ quận 1 qua quận 3 là rớt sóng, nản lắm luôn nhưng không hiểu sao càng mất sóng thì lại càng yêu điện thoại Nhật", anh kể.
Bên cạnh đó, việc không thể sử dụng các tính năng đa phương tiện trên máy cũng là khó khăn mà anh Tuyền gặp phải. Ngoài ra, điện thoại Nhật cũng rất khó sửa chữa, bởi tại Việt Nam, không nhiều thợ Việt Nam am hiểu loại máy này.
Cũng theo chia sẻ, với cá nhân anh, ban đầu anh không được người thân, bạn bè ủng hộ chơi điện thoại vì sợ "tốn tiền". "Ba mẹ mình thì nói đây là thứ vô bổ, mất thời gian mà lại không được gì. Còn người yêu (hiện đã là vợ) thì suýt chia tay mấy lần vì cứ mải 'ham' mấy chiếc điện thoại mà không quan tâm đến cô ấy. Nhiều lần cũng muốn nghỉ chơi để làm họ vui lòng, nhưng dần dần, đam mê của tôi đã thuyết phục được họ", anh Tuyền kể.
Để có thể chơi điện thoại Nhật lâu dài, ngoài việc đi làm, anh Tuyền còn giao lưu điện thoại với các hội nhóm trên diễn đàn, gần đây là mạng xã hội. Hiện tại, nhóm người chơi của anh có khoảng 8.000 thành viên hoạt động cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Đây cũng là nguồn giao lưu điện thoại chủ đạo của anh, giúp anh có số lượng điện thoại Nhật hơn 200 mẫu như hiện nay.
Sở hữu lượng điện thoại lớn, nhưng anh Tuyền cho biết việc bảo quản cũng không quá khó khăn. "Bảo quản điện thoại Nhật thì cũng giống như những điện thoại khác thôi. Nếu không dùng nữa thì nên tháo pin ra, cho vào túi hút ẩm. Nếu pin trần thì không nên để chung nhiều loại pin với nhau dễ gây phù pin hoặc làm pin kiệt nguồn", anh Tuyền chia sẻ.
Anh Tuyền cũng nhắn nhủ rằng, cũng giống như các hình thức chơi khác, sưu tầm điện thoại Nhật cần phải có sự đam mê và không vì những khó khăn trước mắt mà bỏ cuộc sớm. Bên cạnh đó, giao lưu với hội nhóm chơi điện thoại Nhật cũng là cách để học hỏi cách chơi, cũng như giao lưu các thiết bị mà mình chưa có trong bộ sưu tập.
Bình luận (0)