Sau nhiều ngày chờ đợi, mới đây, chị Nguyễn Thị Mơ, công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất Bao bì H.S (quận 8, TP HCM), đã được nhận tiền lương tháng 9-2023. Cầm khoản tiền lương chỉ hơn 3 triệu đồng, chị nhẩm tính các khoản phải chi tiêu sắp tới rồi thở dài.
Trả lương nhỏ giọt
Chị Mơ và chồng cùng làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Bao bì H.S từ năm 2006. Trước đây, khi ăn nên làm ra, ban giám đốc công ty rất quan tâm đến đời sống người lao động (NLĐ) nên cuộc sống của gia đình chị khá ổn. Tuy nhiên, kể từ sau dịch COVID-19, sản xuất của công ty bắt đầu khó khăn, đến năm 2023 thì chững lại, đơn hàng khi có, khi không, mỗi tuần CN chỉ làm việc 3-4 ngày, thu nhập ngày càng teo tóp.
Công ty khó khăn nên hầu hết CN trẻ nghỉ việc, chỉ còn lao động lớn tuổi trụ lại do ít cơ hội tiếp cận việc làm mới. Vợ chồng chị Mơ nằm trong số đó. Tuy nhiên, tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty vẫn không có dấu hiệu khả quan, dẫn đến việc doanh nghiệp (DN) nợ lương kéo dài. Đến ngày 12-12, nhiều CN vẫn chưa nhận đủ lương tháng 9, bộ phận của chị Mơ may mắn đã nhận được nhưng tiền lương tháng 10 và 11 chưa biết bao giờ được thanh toán. Việc công ty chậm trả lương khiến cuộc sống gia đình chị cứ thiếu trước, thiếu sau, phải vay mượn khắp nơi. Tết sắp đến mà chị cũng không dám nghĩ đến tiền thưởng Tết, chỉ mong công ty trả đủ lương. "Công ty khó khăn, không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng vợ chồng tôi không dám nghỉ, bởi lớn tuổi rất khó xin việc" - chị Mơ rầu rĩ.
Trao đổi về tình hình nợ lương CN tại Công ty TNHH Sản xuất Bao bì H.S, LĐLĐ quận 8 cho biết tại buổi kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động mới đây, đại diện DN đã trình bày do đơn hàng giảm và việc thu hồi công nợ gặp khó khăn dẫn đến nợ lương tháng 9 và 10 của 59 CN.
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận và yêu cầu DN có phương án chi trả lương cụ thể cho CN. Phía công ty cam kết đến ngày 15-12 sẽ trả hết lương tháng 9 và 10 cho CN, riêng lương tháng 11, 12-2023 và tháng 1-2024 được thanh toán trước thời gian nghỉ Tết âm lịch 2024. "LĐLĐ quận đang theo dõi chặt chẽ tình hình chi trả lương, nợ BHXH của các DN trên địa bàn, đồng thời rà soát danh sách CN khó khăn, nhất là các trường hợp bị nợ lương, giảm giờ, mất việc đang gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ" - bà Đoàn Ngọc Diễm Lan, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, thông tin.
Nợ BHXH kéo dài
Nghỉ việc tại Công ty TNHH S.H (quận 8) từ tháng 7-2023 nhưng đến nay anh Nguyễn Quốc Đạt mới hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhận tháng trợ cấp đầu tiên do công ty nợ bảo hiểm kéo dài. Anh Đạt làm việc tại công ty từ cuối năm 2020 với vị trí nhân viên tại một cửa hàng ở quận 8.
Đến tháng 3-2023, do cổ tay bị thương, anh đến bệnh viện khám và bất ngờ khi biết thẻ BHYT của mình đã hết giá trị sử dụng; nguyên nhân là do công ty nợ BHXH, BHYT từ tháng 9-2022. Anh Đạt hoang mang vì mỗi tháng trong phiếu lương vẫn thấy trừ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trước đó, do ít dùng thẻ BHYT nên anh và nhiều NLĐ không theo dõi quá trình tham gia BHXH của DN trên ứng dụng VssID, do vậy không hay biết việc DN nợ BHXH.
Khi đó, anh Đạt đã phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Tìm đến trụ sở chính của công ty để chất vấn thì anh Đạt mới được biết tình trạng chậm đóng BHXH do tình hình kinh doanh gặp khó khăn. "Sau mấy tháng không thấy công ty khắc phục nợ BHXH, tôi đã xin nghỉ việc bởi công việc của tôi rất nặng nhọc, phải dậy từ 2-3 giờ và làm việc tới 13 giờ. Cũng vì công ty nợ BHXH mà tôi phải mất công đi lại rất nhiều mới chốt được sổ BHXH và hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tính đến hết tháng 10-2023, Công ty TNHH S.H đang nợ BHXH (11 tháng) với số tiền 9,9 tỉ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ, nhất là các trường hợp nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Hiện công ty đã xây dựng lộ trình khắc phục nợ BHXH cho NLĐ, trong đó có việc công ty sẽ thanh toán một phần viện phí khi NLĐ ốm đau, sinh nở phải nằm viện do nợ BHYT. Tình trạng nợ BHXH đang là vấn đề rất nhức nhối. Theo báo cáo của BHXH TP HCM gửi BHXH Việt Nam về kết quả công tác 10 tháng đầu năm 2023, tổng số đơn vị chậm đóng là 59.003 với số tiền chậm đóng là 4.697 tỉ đồng.
Tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT
BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 4208/BHXH-TST gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, ngoài báo cáo tình hình đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn với lãnh đạo tỉnh, thành phố thì BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động làm việc với những đơn vị chậm đóng BHXH như gửi thông báo đôn đốc, trực tiếp làm việc tập trung hoặc tổ chức theo hội nghị khách hàng, tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra..., công khai thông tin dự kiến kiểm tra, thanh tra, chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra đối với các đơn vị chậm đóng.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Vụ Thanh tra - Kiểm tra tiếp tục đôn đốc BHXH tỉnh, thành tổ chức thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo tại Công văn số 2279/BHXH-TTKT ngày 26-7-2023 của BHXH Việt Nam về tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
N.Tú
Bình luận (0)