Trên cơ sở giới thiệu của 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức vinh danh 14 điển hình và 12 mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những việc làm ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực.
Xông xáo, năng nổ
Tại đêm "Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024" vừa được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các đại biểu đã có dịp gặp gỡ trực tiếp, trò chuyện với họ.
Một trong những điển hình tiêu biểu là Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Xanh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Theo bà, Bác Hồ từng nói văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế giúp nâng cao đời sống vật chất thì văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Vì vậy, từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay, CLB Văn hóa Thái đã tích cực bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Thái gắn với xây dựng bản du lịch cộng đồng. Nghệ nhân Sầm Thị Xanh thường xuyên hướng dẫn các thành viên CLB luyện tập dân ca, dân vũ truyền thống và sáng tác nhiều bài mới.
CLB Văn hóa Thái còn tham gia thực hiện mô hình "Xã sạch về ma túy". Bà Xanh đã tìm hiểu, phát hiện những gia đình có con em đứng trước nguy cơ sa vào tệ nạn, bỏ học...; phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường vận động, giúp trẻ tiếp tục học tập, rèn luyện.
Nhiều người dự buổi giao lưu đã rất xúc động khi nghe câu chuyện gia đình cựu chiến binh Bùi Xuân Phước ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dành nhiều công sức, tiền của để xây dựng Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu tưởng niệm này đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ ở Khánh Hòa.
Một điển hình khác là ông A Vơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Là bộ đội phục viên, ông luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Tích cực học tập và làm theo gương Bác, là một cựu chiến binh gương mẫu, ông đã năng nổ tham gia phong trào "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".
Trong nhiều mô hình kinh tế của cựu chiến binh ở địa phương như "Trồng cà phê", "Nuôi heo nhốt chuồng", "Nuôi trâu bò"..., ông A Vơn là nhân tố không thể thiếu. Nhờ vậy, đến nay, đời sống của các gia đình hội viên cựu chiến binh ngày càng cao; hộ nghèo chỉ còn 68/187.
Đến từ tỉnh Ninh Thuận, đại úy Nguyễn Hải Lý - Phó Đội trưởng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Ninh Phước - đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhờ học tập và làm theo gương Bác. Từ năm 2017 đến nay, anh đã tham mưu xây dựng, tham gia ý kiến với hơn 50 dự thảo văn bản liên quan công tác bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền tập trung tại các trường học, cơ quan.
Đại úy Nguyễn Hải Lý còn là người xông xáo khi tham gia phong trào "Ca tuần tra thanh niên"; thường xuyên tuần tra, mật phục, qua đó phát hiện 21 vụ trộm, 31 đối tượng trộm cắp… Anh còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào "Hiến máu tình nguyện" với 20 lần hiến máu.
Nhiều mô hình hiệu quả
"Ánh sáng vùng biên" do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thực hiện là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo gương Bác.
Theo đó, "Ánh sáng vùng biên" được thực hiện đầu tiên tại bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, giúp người dân có điện, đường. Đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã nhân rộng mô hình này ở tất cả 108 thôn, bản vùng biên tại địa phương; đồng thời hỗ trợ người dân nước bạn Lào thực hiện ở 2 bản làng.
Tại tỉnh Gia Lai, khi một số người dân tộc thiểu số bị các đối tượng xấu lôi kéo đi theo các tổ chức phản động, mô hình "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng" của UBND xã Ia Ake, huyện Phú Thiện được phát huy mạnh mẽ. Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã tích cực tham gia mô hình này.
Đến cuối năm 2023, "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng" đã vận động được 47 hộ với 220 người từ bỏ cái gọi là "Tin lành Đề-ga", trở lại sinh hoạt trong các tôn giáo chính thống trên địa bàn. Mô hình này đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra về tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của quần chúng; gắn với việc thực hiện chính sách dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; phát huy tốt vai trò tích cực của lực lượng cốt cán ở cơ sở…
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, Đảng bộ Trường THPT Trần Phú đã tích cực xây dựng "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học". Các đảng viên trẻ là giáo viên của trường đã nhiệt tình hưởng ứng, sưu tầm tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Trường THPT Trần Phú còn tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ văn, hội họa, viết bài cảm nhận về Bác Hồ. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh sinh hoạt định kỳ trong "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh", gắn với nội dung cụ thể của từng tổ, nhóm chuyên môn...
Lan tỏa mạnh mẽ
Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh việc các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên tôn vinh những điển hình, mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp công chúng biết được nhiều câu chuyện ấn tượng. Qua đó, người dân thấy rõ hơn về tinh thần đổi mới sáng tạo, về những việc làm thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng và góp phần thôi thúc phong trào thi đua yêu nước.
Bình luận (0)