Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 1,24 tỉ USD để nhập khẩu thịt và phụ phẩm - tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều mặt hàng có giá rất rẻ.
Đủ kiểu xương, lòng, mề ngoại
Các loại phụ phẩm, nội tạng động vật không được thị trường nước ngoài sử dụng nên giá rất rẻ. Trong khi đó, người Việt Nam lại có thói quen sử dụng loại thực phẩm này, do đó các nhà nhập khẩu tăng cường đưa hàng về để hưởng chênh lệch giá.
Theo bảng giá của Công ty S.H (TP HCM) - doanh nghiệp chuyên bán lẻ và sỉ thịt trâu, bò, heo và gà đông lạnh, có nhiều mã hàng là phụ phẩm. Ví dụ, thùng chân gà rút xương 20 kg có giá 855.000 đồng, giá lẻ 70.000 đồng/kg; mề gà thùng 18 kg giá 816.000 đồng, bán lẻ 45.000 đồng/kg; tim heo Tây Ban Nha giá 460.000 đồng/thùng 10 kg, bán lẻ 60.000 đồng/kg; dồi trường thùng 10 kg giá 1,37 triệu đồng, bán lẻ 160.000 đồng/kg. Giá bán lẻ các mặt hàng nhập khẩu này chỉ bằng 50%-70% hàng trong nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2020, khi dịch tả heo châu Phi đẩy giá heo hơi tăng phi mã - có lúc lên đến 100.000 đồng/kg, người tiêu dùng bắt đầu quen với thịt đông lạnh nhập khẩu. Trước đó, thịt nhập khẩu chủ yếu tiêu thụ ở các nhà máy chế biến hoặc nhà hàng, quán ăn. Nắm bắt xu thế, doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh nhiều sản phẩm đông lạnh bán trực tiếp cho các bà nội trợ.
Tại siêu thị Bách Hóa Xanh (quận 1, TP HCM), nhiều loại thịt đông lạnh nhập khẩu từ Đức, Nga, Brazil với giá khuyến mãi đang được bày bán, chẳng hạn sườn non có giá 146.000 đồng/kg (giảm 6%), thịt ba rọi 119.000 đồng/kg, sườn que 66.000 đồng/kg, chân giò 39.000 đồng/kg.
Dự báo cạnh tranh gay gắt
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ 9 tháng đầu năm 2024 là 1,24 tỉ USD, tăng 19% trong bối cảnh giá nhiều loại thịt trong nước tăng.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương dẫn số liệu 8 tháng đầu năm nay cho thấy cả nước đã nhập 557.110 tấn thịt và sản phẩm động vật, trị giá 1,109 tỉ USD - tăng 24,2% về lượng và 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam vẫn là Ấn Độ với 22,5% thị phần, đạt 125.140 tấn, trị giá 413,67 triệu USD - tăng 22,7% về lượng và 37,9% về trị giá so với cùng kỳ. Đặc biệt, đây là thị trường chính cung cấp mặt hàng trâu đông lạnh cho Việt Nam với đơn giá 3.305 USD/tấn, tương đương chỉ khoảng 80.000 đồng/kg.
Các nguồn cung khác chủ yếu đến từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Úc, Mỹ, Canada, Ba Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Brazil, Tây Ban Nha...
Về mặt hàng nhập khẩu, Việt Nam mua cả thịt heo, bò, trâu, gà ướp lạnh và đông lạnh cùng các loại phụ phẩm. Riêng thịt heo, 8 tháng đầu năm, nước ta nhập 64.240 tấn, trị giá 144,43 triệu USD - giảm 5,9% về lượng nhưng giảm tới 18% về trị giá so với năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu thịt heo về Việt Nam hiện là 2.245 USD/tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc Việt Nam tăng nhập khẩu thịt giá rẻ là tất yếu khi đã hội nhập sâu. "Tôi vừa đi thực tế tại Canada và thấy giá heo mảnh tại đây chỉ tương đương 30.000 - 35.000 đồng/kg trong khi giá hiện tại của Việt Nam lên đến hơn 80.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất của họ rất rẻ, còn ngành chăn nuôi Việt Nam dù nỗ lực nhưng giá vẫn cao" - ông Công thẳng thắn.
Cũng theo ông Công, rào cản tự nhiên về thói quen tiêu dùng của người Việt đang giảm dần, nhiều bà nội trợ bớt chuộng thịt nóng và bắt đầu quen với thịt mát, thịt đông lạnh. Do đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường sắp tới là rất lớn. "Các cơ quan chức năng cần kiểm soát dịch bệnh, chất lượng, an toàn thực phẩm với nguồn thịt nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng" - đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị.
Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây thông tin trong thời gian từ ngày 16-5 đến 25-9 đã xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella đối với 6.679 lô hàng nhập khẩu, phát hiện 55 lô dương tính với tổng số 1.319 tấn hàng.
Trà trộn nhiều loại thịt ngoại chất lượng thấp
Ông N.B, hoạt động trong lĩnh vực F&B (dịch vụ ăn uống), cho hay thịt nhập khẩu có nhiều phân khúc từ cao cấp đến bình dân. Trước đây, số lượng nhập khẩu ít, chủ yếu là hàng cao cấp để cung ứng cho các nhà hàng kinh doanh món Tây. Hiện nay, nhiều món ngoại được bình dân hóa nên các loại thịt nhập khẩu cấp thấp được đưa về nhiều hơn. Dù vậy, nhược điểm của thịt ngoại là rất dễ đứt hàng, không ổn định bằng hàng trong nước, do đó nếu 2 nguồn cung cấp có giá tương đương thì các doanh nghiệp sẽ chọn hàng trong nước.
Đối với các loại nội tạng động vật, ông B. cho biết dù hàng nhập khẩu đông lạnh không còn tươi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, đặc biệt là sơ chế sạch thì sẽ hơn hàng nội địa. Dù vậy, trên thị trường có tình trạng trà trộn nhiều loại thịt đông lạnh được rã đông và tái cấp đông nhiều lần do bán ế, không bảo đảm chất lượng.
Bình luận (0)