Những ngày tháng 4-2025, các ông Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sỹ Nguyên có dịp được hội ngộ tại TP HCM để tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể giỗ cùng một ngày
Đây là 3 trong tổng số 4 chiến sĩ thuộc kíp xe tăng 390 (thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) - chiếc xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP HCM) vào trưa 30-4-1975. Cuộc hội ngộ chưa thực sự trọn vẹn khi ông Lê Văn Phượng (thành viên kíp xe tăng 390) đã về với miền mây trắng mà không thể đợi đến ngày nước nhà hân hoan chào mừng 50 năm thống nhất.
Ông Toàn, ông Tập và ông Nguyên được Ban Tổ chức bố trí ở chung tại khách sạn. Trong mọi hoạt động giao lưu, tri ân, tham quan… ban tổ chức đều mời cả 3 ông cùng tham gia. "Đã lâu rồi anh em chúng tôi mới có dịp được cùng ăn, cùng ở, cùng làm như cách đây hơn 50 năm về trước. Dù lịch trình nhiều, sức khỏe không còn như trước nhưng vẫn cảm thấy phấn khởi. TP HCM thay đổi ngoạn mục so với ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến mảnh đất này" - ông Nguyễn Văn Tập (nguyên lái xe tăng 390) nói.

Từ trái qua: Các ông Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập tại một sự kiện diễn ra vào tháng 4-2025 ở TP HCM
Cùng nhau chiến đấu, vượt qua những gian khổ của cuộc chiến, chứng kiến giây phút huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc… Chừng đó đã quá đủ để khiến cho tình đồng chí, đồng đội của những con người từng điều khiển "bảo vật quốc gia" mãi bền chặt đến ngày hôm nay. Giờ đây, khi đã là những cụ ông U80 nhưng họ vẫn giữ thói quen gọi nhau là "anh - em"; mỗi khi có việc cần thì đều hỏi ý kiến của nhau.
"Đã trong cùng một kíp xe tăng thì coi như một nhà, một gia đình. Đó là cái hay của bộ đội xe tăng" - ông Nguyễn Văn Tập bộc bạch. Sau giải phóng, các thành viên trong kíp xe tăng 390 rời đơn vị và trở về quê hương, mỗi người chọn cho mình một con đường riêng. Dù cách xa nhau nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc. Mỗi dịp hiếu hỉ của gia đình người này đều có sự tham dự của các thành viên còn lại.
"Năm 2016, hay tin bác Phượng mất, anh em chúng tôi lập tức đến nhà viếng và phụ với gia đình lo đám tang cho bác. Còn khi hay tin đồng đội ốm, đi viện thì dù xa cũng phải đến tận nơi thăm. Đó là một tình cảm tuyệt vời!" - ông Tập kể tiếp.
Ông Ngô Sỹ Nguyên (nguyên Pháo thủ số 1 xe tăng 390) xúc động nói: "Chúng tôi tuy không phải là cùng một mẹ sinh ra, mỗi người một quê nhưng có thể giỗ cùng một ngày. Chúng tôi vẫn vui vẻ và trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. Chúng tôi gắn bó khăng khít với nhau dù là trong thời chiến hay thời bình".
Nguyên Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn cho biết lính xe tăng phải hiệp đồng chiến đấu rất nhuần nhuyễn. Khi quả pháo được bắn ra và tiêu diệt thành công mục tiêu thì đấy là công của cả kíp xe chứ không chỉ là công của mỗi pháo thủ. Nhiệm vụ gắn liền với nhau làm cho anh em có sự gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau như anh em ruột thịt.
Phút chạm mặt Tổng thống Dương Văn Minh
Trưa 30-4 của 50 năm trước, xe tăng 390 áp sát Dinh Độc Lập. Khi thấy xe tăng 843 do ông Bùi Quang Thận làm Trưởng xe dừng tại cổng phụ của dinh, lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập lập tức hỏi ý kiến của Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, không chần chừ, ông Toàn ra lệnh cho ông Tập: "Chú tông thẳng vào!".
Nhận lệnh, ông Tập liền chuyển xe sang hướng cổng chính diện, tăng ga, húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập và tiến vào tiền sảnh của dinh này.

Dinh Độc Lập trước đây, nay là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP HCM.
"Theo hợp đồng tác chiến, đơn vị nào vào trước, dù có hy sinh cũng phải cắm cờ. Tôi cầm cờ, định chạy đi cắm thì đồng chí Lê Văn Phượng báo rằng anh Bùi Quang Thận cầm cờ chạy đằng sau rồi. Tôi nhanh chóng lấy khẩu AK trên xe rồi nhảy xuống để chi viện, bảo vệ cho anh Thận lên cắm cờ" - ông Vũ Đăng Toàn hồi tưởng. Theo ông, phải cắm được cờ càng nhanh càng tốt để báo hiệu giờ phút toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Lá cờ được cắm sớm bao nhiêu thì đồng bào, đồng đội và nhân dân đỡ phải đổ máu bấy nhiêu. Việc cắm cờ nhanh có rất nhiều ý nghĩa, tác động trực tiếp đến xương máu của mình.
Trong lúc ông Bùi Quang Thận đi treo cờ thì ông Vũ Đăng Toàn dồn toàn bộ nội các Dương Văn Minh vào phòng khánh tiết. Lúc này, ông Toàn hỏi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa: "Tổng thống Dương Văn Minh đang ở đâu?". Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trả lời: "Thưa ông, để tôi đưa Tổng thống ra chào các ông".
Ngay sau đó, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh bước ra từ một căn phòng sau lưng phòng khánh tiết. "Lúc này, ông Dương Văn Minh đeo kính trắng, người hơi ngăm đen, mặc áo cộc tay màu xám" - ông Toàn thuật lại giây phút lần đầu giáp mặt với Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếp đó, Đoàn của đại úy Phạm Xuân Thệ (Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) bước vào, Tổng thống Dương Văn Minh chủ yếu hỏi ông Thệ và ông Toàn về chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo lời ông Vũ Đăng Toàn, khi chạm mặt, đại úy Phạm Xuân Thệ và ông đã chủ động bắt tay Tổng thống Dương Văn Minh. Lý giải về cái bắt tay của mình với ông Dương Văn Minh, ông Toàn nói: "Nhiệm vụ chính của mình là treo cờ và bắt Tổng thống Dương Văn Minh nhằm yêu cầu ông ta tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã hoàn thành. Lúc này, mình không còn vấn đề gì nữa. Bác Hồ cũng dạy rồi: Khi kẻ thù đã đầu hàng hoặc không dám chống đối gì nữa thì mình nên có thái độ khoan hồng, hòa nhã. Có như thế thì kẻ thù mới phục mình".
Tiếng súng để đời
Theo lời ông Nguyễn Văn Tập, khi lá cờ giải phóng được ông Bùi Quang Thận kéo lên nóc Dinh Độc Lập, ai cũng vui mừng. Thời điểm này, đã có rất nhiều xe tăng và quân giải phóng kịp có mặt tại đây. "Ai có súng thì đều bắn lên trời. Từng loạt đạn kéo dài nối tiếp nhau. Đó là tiếng súng báo hiệu chiến thắng, tiếng súng chào mừng quân giải phóng" - ông Tập hân hoan.
Đến bây giờ, ông Tập vẫn còn nhớ những tiếng súng râm rang, vang dội cả một vùng trời rộng lớn tại Dinh Độc Lập. "Cuộc đời tôi, mỗi khi nghe tiếng súng là đều cảm thấy ám ảnh. Bởi đó là tiếng súng của chiến tranh, của chết chóc. Nhưng tiếng súng vang rền trong Dinh Độc Lập vào trưa 30-4 của 50 năm về trước là tiếng súng hay nhất mà tôi được nghe" - ông Tập xúc động kể.
Khi nghe tiếng súng chỉ thiên vang lên, người dân xung quanh khu vực Dinh Độc Lập phần nào hiểu được chiến tranh đã kết thúc. Nhiều người bắt đầu mở cửa, ra khỏi nhà, tiến vào dinh để theo dõi tình hình. Đường phố Sài Gòn cũng bắt đầu tấp nập, người dân tứ hướng đổ xuống đường, trên tay cầm theo cờ, hoa vẫy chào quân giải phóng. "Không biết cờ, hoa ở đâu mà nhiều thế, đỏ rực cả đường phố" - ông Tập nói.
Còn với Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, dù đã 50 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ mãi cái ôm thật chặt giữa Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. "Thấy lá cờ của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập mà trong lòng vui sướng, hạnh phúc. Anh em ôm chặt lấy nhau, không khóc mà nước mắt cứ tuôn trào. Hạnh phúc, chiến thắng quá lớn, đến quá nhanh" - ông Toàn kể.
Niềm vui chiến thắng như được nhân đôi khi chính kíp xe 390 của ông Vũ Đăng Toàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi, là biểu tượng cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Xe tăng 390 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Hiện nay, bảo vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Tăng Thiết giáp (Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Tập rất vui và phấn khởi khi sắp tới, xe tăng 390 sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để xứng đáng với tầm vóc của chiếc xe này.
Bình luận (0)