Hé lộ những tòa tháp Chăm đồ sộ
Tháng 3-2011, trong khi đào móng xây nhà, gia đình một người dân ở quận Cẩm Lệ vô tình phát hiện ba hiện vật bằng đá và một mảng tường bằng gạch. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trực tiếp đến xem xét, xác định đây là di tích khảo cổ Chămpa và làm thủ tục khai quật khẩn cấp di tích này.
Chủ trì đợt khai quật là nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều (khoa Khảo cổ học ĐH KHXH & NV). Ông cho hay qua năm hố khai quật với tổng diện tích 206 m2, nền móng kiến trúc hai phế tích tháp Chăm quy mô lớn, 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm… có nguồn gốc Chămpa niên đại khoảng 1.000 năm đã xuất lộ. Đặc biệt, dấu tích tại hố khai quật H1 rộng 90 m2 cho thấy có thể từng tồn tại một tòa tháp Chăm đồ sộ tại đây.
Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, những phần nền móng tháp Chăm đã phát lộ cho thấy di tích khảo cổ Phong Lệ là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với những ghi chép trong thư tịch của các học giả Pháp đầu thế kỷ XX. Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đang lưu giữ chín hiện vật được thu thập tại địa danh Phong Lệ cách đây hơn 100 năm.
Khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ tháng 5-2011. (Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp)
“Trong khi việc nghiên cứu các đền tháp Chăm ở nhiều nơi khác chủ yếu là phần lộ thiên thì tại đây, do các di tích đã bị san phẳng nên lại là cơ hội tốt để nghiên cứu những bí ẩn trong kỹ thuật xây dựng nền móng khiến các đền tháp Chăm có thể đứng vững cả ngàn năm mà không bị nghiêng, lún. Chẳng hạn ở hố khai quật số 4 phát hiện chân móng tháp dày tới hơn 2 m, được gia cố rất công phu với nhiều lớp đá cuội + cát xen giữa những lớp gạch… hết sức bí ẩn. Ở những nơi khác rất khó để đào móng các đền tháp đang tồn tại ra mà nghiên cứu như vậy!” - ông Thắng nói.
Điểm đến quý giá trong tương lai
“Tuy đây chỉ mới là kết quả khai quật bước đầu, song có thể nói chúng ta vừa phát hiện cả một “mỏ vàng” di tích Việt-Chăm vô giá” - ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, khẳng định. Theo ông, dưới lòng đất khu vực này còn rất nhiều lớp trầm tích văn hóa Chăm và văn hóa Việt cổ cần tiếp tục khai phá.
Bước đầu các nhà nghiên cứu nhận định khu khảo cổ Phong Lệ với “mỏ vàng” di tích Việt-Chăm có diện tích khoảng 5.000 m2. Tại đây có thể có khá nhiều di tích và những di tích quan trọng có thể tập trung trên gò cao ở phía tây của hố đang khai quật.
“Quần thể di tích này có vị trí thuận lợi (nằm cạnh quốc lộ 1A và sông Cầu Đỏ, nối thẳng tuyến du lịch đường sông lên khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) lại bao hàm nhiều giá trị lớn lao. Vì vậy, nếu được quy hoạch kịp thời, khai quật hoàn chỉnh, nơi đây có đủ tiềm năng để trở thành điểm đến đầy giá trị về du lịch cũng như giáo dục lịch sử, văn hóa” - ông Võ Văn Thắng nói.
Theo ông Chiến, ai đã đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm xong cũng muốn đến một nơi cụ thể hơn để tìm hiểu cư dân Chăm xưa sống như thế nào, ở đâu, đền tháp ra sao… Họ có thể đến làng Phong Lệ để tìm hiểu. Điều đó sẽ tạo thành một tour khép kín ngay trên địa bàn Đà Nẵng.
Không nhanh tay sẽ chẳng còn gì
Ông Phùng Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông, tiếc rẻ nếu phát hiện sớm hơn 5-7 năm thì làng Phong Lệ vẫn còn nguyên những hàng tre cổ kính, những cây đại thụ… mà gia tộc danh nhân Ông Ích Khiêm trồng từ đời này sang đời khác. Nhưng nay thì những hàng cau, hàng tre đó đã bị người dân đốn hạ hết để bán đất… Đặc biệt, sau khi một trong hai bàu sen cổ xưa của làng Phong Lệ biến thành khu dân cư thì bàu còn lại cũng đã được TP tiến hành đền bù, chuẩn bị đổ đất xây các khu biệt thự ven sông. Trên nhiều cây vải cổ thụ cả trăm năm tuổi ở làng Phong Lệ, người dân cũng đã gắn bảng rao bán đất... Chưa kể trong thời gian tới, khi nghe nói ở đây phát hiện một số hiện vật Chăm, người ta có thể đổ xô tới đào bới.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Chiến yêu cầu Bảo tàng Điêu khắc Chăm khẩn trương chuẩn bị phương án quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực này trình lãnh đạo TP để đảm bảo vấn đề quản lý. Kế hoạch trên sẽ được chia thành từng giai đoạn để thực hiện việc khai quật, tôn tạo… tiến tới chính thức công nhận di tích và xây dựng thành điểm đến văn hóa, du lịch.
Sau khi được phát hiện từ thế kỷ trước thì địa điểm khảo cổ Phong Lệ gần như bị bỏ hoang phế trong những năm chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, HTX nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần khu di tích làm trại chăn nuôi. Một số hộ dân cũng dần dần kéo về đây ngụ cư mà không biết rằng họ đã và đang ở trong một khu di tích khảo cổ quan trọng. Việc tái phát hiện địa điểm này vào tháng 3-2011 cũng xuất phát từ việc người dân xây nhà làm lộ ra các hiện vật Chăm. |
Bình luận (0)