“Đến 16 giờ 30 phút, 10 chiếc tàu hải giám đã đi vào vùng biển ngoài khơi Uotsurijima, đảo lớn nhất thuộc Senkaku. Chúng tôi đã phát lệnh cảnh cáo những tàu này không xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản” - người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản nói. Các tàu hải giám này lần lượt tiếp cận vùng biển gần quần đảo tranh chấp.
Trước hết, lúc 13 giờ 45 phút, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện hai chiếc. Mười lăm phút sau đó, họ thấy 6 tàu hải giám và thêm 2 tàu nữa lúc 15 giờ 40 phút. Mười chiếc tàu này chạy dọc theo phía Tây của quần đảo tranh chấp, song vẫn chưa có thông tin xác nhận 1.000 tàu cá Trung Quốc đến gần Senkaku/Điếu Ngư. Vào buổi sáng cùng ngày, một chiếc ngư chính cũng đã đi vào vùng biển này.
Hiện chính phủ Nhật Bản tiếp tục thu thập thông tin theo dõi sự di chuyển của các tàu Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng điều 6 tàu hải giám tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 14-9, ba ngày sau khi Nhật công bố mua lại ba trong số 5 đảo thuộc quần đảo không người từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
10 chiếc tàu Hải giám đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 30 km về phía Tây – Tây Bắc.
Ảnh chụp lúc 4 giờ 37 phút ngày 18-9(Ảnh: YOMIURI)
Tại Trung Quốc, làn sóng biểu tình chống Nhật tiếp tục lan rộng trong ngày 18-9, ngày đánh dấu "biến cố Mãn Châu" 81 năm trước đây dẫn tới việc quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, hàng chục ngàn người rầm rộ biểu tình tại Thẩm Dương (thủ phủ tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc), Trịnh Châu (thủ phủ Hà Nam)... Ở thủ đô Bắc Kinh, hàng ngàn người tụ tập trước đại sứ quán Nhật Bản, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật đồng thời yêu cầu Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư.
Hãng thông tấn Kyodo đưa tin biểu tình chống Nhật trong ngày 18-9 diễn ra ở ít nhất 100 thành phố Trung Quốc. Tại Thượng Hải, tổng lãnh sự quán Nhật Bản được cảnh sát vũ trang Trung Quốc thắt chặt an ninh trước sự xuất hiện của khoảng 7.000 người biểu tình. Cảnh sát cũng được triển khai mạnh ở nhiều thành phố khác.
Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày, 3 hãng sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản là Honda, Toyota, Nissan đồng loạt tuyên bố ngừng một số hoặc toàn bộ hoạt động ở Trung Quốc.
Cảnh sát triển khai tại Bắc Kinh để đối phó biểu tình ngày 18-9. Ảnh: Reuters
Người biểu tình Trung Quốc tấn công một quán rượu Nhật ở Thâm Quyến ngày 18-9. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình bị trấn áp tại Thượng Hải ngày 18-9. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)